Lo ngại tái áp dụng tỷ lệ cho vay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) đang dự kiến tái áp dụng giới hạn về tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động là 80% trong năm nay. Điều này liệu có làm cho khối ngân hàng thương mại Nhà nước (NH TMNN) ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc đẩy mạnh tín dụng? Tìm hiểu về vấn đề này PV có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế Học viện tài chính.

Thưa ông, theo số liệu của ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm 30/6, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động của toàn hệ thống đã giảm đáng kể, từ 103% xuống chỉ còn hơn 90%, tuy nhiên tỷ lệ này ở các NHTM lớn cũng như ở các công ty cho thuê tài chính vẫn ở mức cao, trên 102% . Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì thưa ông?

Trong khoảng thời gian 2010, 2011, ngân hàng đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, vì vậy các ngân hàng có mức cho vay ra lớn. Do đó, tạo ra một cuộc đua giảm lãi suất cho vay và mở rộng đối tượng cho vay. Nhiều ngân hàng khác hạ mức độ rủi ro và mức độ an toàn. Vì vậy, hiện nay, rủi ro nợ xấu trong các ngân hàng trở thành một vấn đề rất lớn. Đó chính là vì chúng ta có một thời gian quá nới lỏng tín dụng.

Khi thắt chặt tín dụng, rất nhiều ngân hàng đã phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Từ đó, các khoản cho vay trước đây đến hạn phải thu về và rất nhiều khoản cho vay không thu hồi được nên trở thành nợ xấu. Đối với các NHTM cổ phần, họ rất lo lắng trong việc thu nợ. Thời gian gần đây họ làm tương đối chặt chẽ trong việc xác định cụ thể rủi ro. Vì vậy, việc họ thu hồi được nợ cũng khá hơn so với NHTM lớn và những NHTM nhà nước.

Trong thời gian trước, các NHTM cổ phần nhà nước thường có những khách hàng thân quen, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước , các tập đoàn lớn của nhà nước. Họ nghĩ rằng các doanh nghiệp và tập đoàn này đứng phía sau cho nên không sợ mất vốn; họ sẵn sàng cho vay ra một lượng tiền lớn. Vì thế, tổng mức vốn cho vay trên lãi suất huy động của các ngân hàng này là rất lớn.

Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ này vượt trên 100% có thể là mức cảnh báo về thanh khoản; đặc biệt là trước tình huống những nguồn tiền lớn rút đột ngột. Vậy theo ông, đây có phải là một trong những lý do khiến cho các NH quốc doanh khó đẩy mạnh cho vay trong thời gian vừa qua?

Thực ra chúng ta cũng phải thấy một vấn đề , hiện nay, nếu ngân hàng nào có nguồn vốn sạch mà tương đối nhiều , nợ xấu ít thì họ có thể tiếp tục cho vay và họ tự tìm nguồn cho vay. Nhưng đối với những ngân hàng lớn , do phần nợ xấu của họ hiện nay tương đối lớn , phần tỷ trọng giữa vốn cho vay trên lãi suất huy động vẫn còn cao, do vậy họ phải tích cực thu hồi và việc cho vay với họ cũng khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu của họ còn quá nhiều. Khi đó, họ sẽ gặp khó khăn khi đẩy nguồn vốn cho vay cao hơn thời gian vừa qua.

NHNN VN đang dự kiến tái áp dụng giới hạn về tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động là 80% trong năm nay. Nếu như điều này có hiệu lực, ông có lo ngại rằng khối ngân hàng TMNN ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc đẩy mạnh tín dụng?


Các ngân hàng VN và toàn bộ hệ thống ngân hàng đang thực hiện tái cấu trúc hoạt động, tái cấu trúc nền tài chính, để từ đó có một nguồn vốn sạch nhiều hơn vào nền kinh tế. Đây là điều cần thiết để đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng.

Tuy nhiên cũng có những khó khăn; đó là những ngân hàng hiện nay đang có vốn xấu, nợ xấu nhiều, tồn đọng nợ xấu lớn thì rõ ràng tỷ trọng giữa vốn cho vay và vốn huy động ở mức cao. Và đương nhiên, như vậy, cùng với quá trình tái cấu trúc, phải là quá trình giải quyết nợ xấu của các  ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế. Như vậy mới có được dòng vốn sạch của ngân hàng đi vào nền kinh tế.

Cũng có sẵn những doanh nghiệp có được cân đối tài chính tốt để dòng vốn ngân hàng vào có hiệu quả. Như vậy,  ngân hàng mới thu hồi được cả vốn và lãi vay trong tương lai. Cùng với việc đưa ra trần khống chế về vốn cho vay trên vốn huy động thì việc tiếp tục giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quy định đó.

Đương nhiên đây sẽ là một áp lực với các  ngân hàng, nó buộc các ngân hàng phải tự hoàn thiện mình, tự tái cấu trúc lại nợ vay cũng như hoạt động của ngân hàng để từ đó có được tỷ lệ hợp lý. Điều thứ 2, để có được tỷ lệ đó thì phải giải quyết nợ xấu. Nếu ko giải quyết nợ xấu thì rõ ràng tỷ trọng cho vay lãi suất lớn trên vốn huy động. Do đó giải quyết nợ xấu cũng phải được đẩy mạnh. Có như vậy việc thực hiện thông tư này mới đạt được hiệu quả.

Trong đề án 254 của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống NHTM có đặt giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các NHTM nhà nước phù hợp với nguồn vốn về quy mô và cơ cấu kỳ hạn. Đề án đặt mục tiêu từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015. Điều này sẽ giúp các NHTM phòng ngừa rủi ro thanh khoản nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của khối NHTM quốc doanh.

Năm 2010, NHNN ban hành Thông tư 13 giới hạn tỷ lệ cho vay trên vốn huy động không quá 80%. Thông tư này đã nhận được sự phản đối của nhiều NHTM và các chuyên gia, sau đó NHNN đã có sửa đổi kỹ thuật về việc xác định tỷ lệ này.

Từ ngày 1-9-2011 giới hạn trên được gỡ bỏ và định hướng mới Chính phủ đặt ra với khối NHTM nhà nước không quá 90% đến năm 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN