Lãi suất NH giảm: Dân vẫn gửi tiền

Lãnh đạo ngân hàng tự tin, do các kênh đầu tư khác hiện cũng không hấp dẫn nên lãi suất có giảm, lượng tiền gửi vào ngân hàng cũng không giảm nhiều.

Trong khi đó, nếu huy động với lãi suất cao mà không cho vay được, ngân hàng sẽ ứ đọng vốn giá cao, mua trái phiếu cũng không có lãi. Việc giảm lãi suất huy động vì vậy là cần thiết.

Lãi suất NH giảm: Dân vẫn gửi tiền - 1

Ngày đầu lãi suất giảm xuống 7,5%/năm: Dân vẫn gửi tiền Nhân viên ngân hàng mang tiền gửi của dân về trụ sở chính (ảnh chụp ngày 26.3). Ảnh: Giang Huy

Mức giảm 0,5% ở lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bắt đầu từ ngày 26.3 đã có tác động nhất định tới tâm lý người gửi tiền. Song theo các khảo sát được thực hiện trong ngày đầu tiên áp dụng mức lãi suất mới, phần đông người được hỏi vẫn chọn kênh đầu tư gửi tiền vào ngân hàng.

Người gửi tiền vẫn đông

Các khảo sát được phóng viên Báo Lao Động thực hiện tại Hà Nội và TPHCM trong buổi sáng và đầu giờ chiều ngày 26.3 cho thấy, thay vì niêm yết rộng rãi mức LS mới 7,5% ở kỳ hạn ngắn tại các phòng giao dịch và chi nhánh như trước đây, phần lớn biểu LS mới được các NH niêm yết trong ngày chỉ treo các mức LS cao nhất tới 9,5-11% - vốn chỉ được áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. “Cách thức” mới này, theo nhân viên chi nhánh một NH trên phố Đội Cấn (Hà Nội) nhằm tạo hấp dẫn đối với người đang có nhu cầu gửi tiền.

Chị Quyên (Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) đang công tác tại Tập đoàn Điện lực VN cho biết, dù niêm yết như vậy, các mức LS cao nhất này chỉ được áp dụng cho các kỳ hạn dài như 24 và 36 tháng. “Tôi đi mấy NH liền, nhưng cuối cùng quyết định gửi kỳ hạn 3 tháng với LS 7,5% tại Vietcombank, vì NH gần nhà và đây cũng là mức LS cao nhất ở kỳ hạn này”. Một khách hàng vừa gửi tiền tại chi nhánh BIDV sáng 26.3 cho biết, dù NH này vẫn niêm yết mức LS cao nhất tới 8% cho các kỳ hạn ngắn trên website chính thức, nhưng thực tế, LS hiện chỉ còn 7,5%.

Thay vì chọn gửi các kỳ hạn ngắn để tiếp tục “nghe ngóng”, anh Ninh - Giám đốc Cty xây dựng và kiến trúc Kiến Ninh (quận Bình Tân, TPHCM) - quyết định lựa chọn gửi tiết kiệm dài hạn là để dành cho gia đình về sau. Bản thân cũng đã từng tham gia đầu tư BĐS, vàng và chứng khoán nên anh rút ra kinh nghiệm cho bản thân, đó không phải là kênh đầu tư mà bất kỳ ai cũng có thể kiếm lời.

“Một người bạn cũng đã đề nghị tôi cùng bỏ vốn đầu tư sản xuất lĩnh vực nuôi yến, nhưng vì kế hoạch vẫn chưa hoàn chỉnh nên tạm thời, tiết kiệm vẫn là kênh giữ vốn an toàn nhất đối với tôi, dù tiền lãi có thấp đi hơn so với kỳ vọng một chút” - anh Ninh cho biết.

Một nhân viên đang làm việc tại Q.Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, đang có hơn 400 triệu đồng gửi tiết kiệm tại hai NH. “Các sổ tiết kiệm tôi gửi làm nhiều đợt khác nhau, nhưng LS cũng chỉ 8-9%/năm. Sắp tới khi hết kỳ hạn, LS có thể còn thấp hơn, nhưng băn khoăn chưa biết có nên tiếp tục gửi tiết kiệm nữa hay không” - nhân viên này lo lắng.

Ngân hàng tự tin

Thực tế, việc hạ LS theo trần LS ngắn hạn mới 7,5% được một số NH triển khai sớm và cách đây gần một tuần, Vietcombank tiên phong trong việc đưa LS xuống 7,5%. Một lãnh đạo NH này cho biết, việc giảm LS huy động tùy thuộc vào cung cầu vốn của NH. Tình hình cho vay khó khăn là lý do khiến các NH hiện nay phải tìm cách giảm giá vốn, giảm LS huy động.

Lãnh đạo NH tự tin, do các kênh đầu tư khác hiện cũng không hấp dẫn nên LS có giảm, lượng tiền gửi vào NH cũng không giảm nhiều. Trong khi đó, nếu huy động với LS cao mà không cho vay được, NH sẽ ứ đọng vốn giá cao, mua trái phiếu cũng không có lãi. Việc giảm LS huy động vì vậy là cần thiết.

Đồng quan điểm này, Phó TGĐ OceanBank - bà Nguyễn Thị Mai Hương - cho rằng, việc giảm LS huy động lần này sẽ không ảnh hưởng đến nguồn vốn chảy vào NH. Hơn nữa, do chủ động nắm bắt khả năng hạ LS từ sớm, trong những ngày gần đây, có lượng lớn khách hàng đến gửi tiền tại OceanBank và lựa chọn kỳ hạn dài hơn để hưởng mức LS cao hơn.

 “Ngay hôm nay (là ngày đầu tiên thực hiện hạ LS huy động) tình hình khách hàng gửi tiền tại NH vẫn ổn định” – bà Hương nói. Cũng theo bà Hương, các kênh đầu tư khác dù có tín hiệu lạc quan, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để người dân hoạch định những kế hoạch đầu tư dài hạn. Số đông người dân muốn an tâm về nguồn vốn và gia tăng lợi nhuận một cách an toàn, theo đó vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm tại NH là một trong những kênh hiệu quả nhất.

Còn không, chiêu “phá rào” lãi suất?

Có một diễn biến đáng chú ý là tại khối các NHTM cổ phần có quy mô nhỏ - nơi được xem là “điểm nóng” về chuyện phá rào LS do yếu thanh khoản - các quan sát trong ngày đầu thực hiện giảm LS cho thấy các NH này phần lớn đều thực hiện đúng theo quy định. Thay vào đó, biến động LS lại xuất hiện tại các kỳ hạn dài.

Cụ thể, riêng tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, khối các NHTM cổ phần này có sự điều chỉnh LS ở mức cao hơn các NHTM có vốn nhà nước, hay các NHTM cổ phần có quy mô lớn. Thậm chí, để cạnh tranh, có NH “mạnh dạn” cộng thêm cho khách hàng 0,3% mức LS niêm yết đối với tiền gửi kỳ hạn dài, nhưng không công bố mà “lách” dưới dạng sản phẩm tiền gửi ưu đãi dành cho khách hàng từ 40 tuổi trở lên.

Như một số nhận định trước đó, phản ánh của một số NHTM tại TPHCM cho thấy, dù xu hướng giảm LS tiền gửi ngày càng rõ ràng, các khoản tiền gửi của khách hàng là cá nhân kỳ hạn dưới 12 tháng thời gian qua vẫn tăng đều theo từng tuần. Kênh gửi tiền tiết kiệm theo đó vẫn đang thu hút được khá nhiều người dân hơn là các kênh BĐS, chứng khoán, thậm chí là vàng... Do đó, dù hạ LS huy động, người dân vẫn gửi tiền vào NH là chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Chương - Văn Nguyễn (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN