Khó giải ngân, NH vẫn đẩy mạnh huy động

Tuy tình hình giải ngân vốn vẫn trong tình trạng ảm đạm và thanh khoản nhiều nhà băng dôi dư, song với kỳ vọng tín dụng sẽ được cải thiện trong quý cuối cùng của năm khi mùa vụ kinh doanh bước vào thời kỳ cao điểm, các nhà băng vẫn tiếp tục đẩy mạnh huy động.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chưa đạt 1% so với cuối năm 2011, trong đó, 69 tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng âm và 57 tổ chức tín dụng tăng trưởng dư nợ dương. Dù tình hình giải ngân vẫn trong tình trạng ảm đạm như trên, nhưng nhiều ngân hàng, kể cả các nhà băng lớn vẫn tung ra các chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh huy động vốn.

Khó giải ngân, NH vẫn đẩy mạnh huy động - 1

Tính đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chưa đạt 1%.

OCB vừa có chương trình khuyến mãi với cơ hội trúng nhà cho khách hàng gửi tiết kiệm và cào trúng ngay 100% tiền mặt với giá trị lên đến 5 triệu đồng. Ngoài mức lãi suất 9 - 11%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm, DongA Bank còn tặng quà cho khách hàng gửi tiền. SCB đưa ra giải thưởng 1kg vàng SJC để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 - 24 tháng.

Chỉ trong vòng một tuần, ACB đưa ra hai chương trình khuyến mãi tiết kiệm. Với sản phẩm 12+, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 12%/năm và có thể chọn kỳ lĩnh lãi theo tháng hoặc quý. Bên cạnh đó, ACB còn thưởng thêm 0,6%/năm lãi suất trên tổng số vốn gốc cho khách hàng gửi tiền trong vòng 12 tháng và không rút trước hạn. Có thể ACB là trường hợp điển hình vì trong những ngày qua, lo ngại trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB) và ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) bị bắt nên có hiện tượng một số khách hàng rút tiền, nhưng lượng rút là không đáng kể. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, thanh khoản ACB luôn đảm bảo, nhưng để giữ chân khách hàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, Ngân hàng phải tăng tính hấp dẫn cho người gửi tiền.

Kết quả, chỉ trong ngày 24/8, ACB đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng từ hơn 5.000 lượt khách gửi, cùng với hơn 5.000 tỷ đồng tiền tiết kiệm đáo hạn tiếp tục gửi lại. ACB còn cho biết, Ngân hàng chuẩn bị ký kết với một số ngân hàng về việc tài trợ thanh khoản. Mặt khác, trong những ngày vừa qua, khi sự cố xảy ra, ACB cũng hạn chế giản ngân. Tính đến hết quý II/2012, tăng trưởng tín dụng của ACB chỉ mới đạt 0,95% so với chỉ tiêu tối đa 17% được Ngân hàng Nhà nước cấp cho cả năm 2012.

Điều đáng quan tâm hơn đó là trong những ngày vừa qua, bắt đầu xuất hiện làn sóng nhích nhẹ lãi suất ở các ngân hàng thương mại nhỏ. Trong đó, lãi suất tăng chủ yếu tập trung ở kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng, mức cộng thêm khoảng 1 - 1,5%/năm tùy vào lượng tiền gửi. Với kỳ hạn dài ngày trên 1 năm được nhiều nhà băng điều chỉnh lên 12%/năm, thay vì 11 - 11,5%/năm trước đây.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tăng lãi suất huy động là để giữ nguồn tiết kiệm, đồng thời đón mùa kinh doanh cuối năm, nhất là những nhà băng quy mô vừa và nhỏ vừa được Ngân hàng Nhà nước nới “room” tín dụng lên mức 27 - 30% so với chỉ tiêu ban đầu chỉ có 8 - 15%. Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, với mặt bằng lãi suất cho vay còn khá cao ở các nhà băng quy mô vừa và nhỏ hiện nay, cùng với nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao, thì việc tăng lãi suất huy động sẽ đội chi phí của các ngân hàng lên.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank nhận định, với diễn biến thị trường hiện nay, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng không dễ. Do đó, ông rất ngạc nhiên trước việc một số ngân hàng xin thêm quota tín dụng. “Không biết bằng cách nào họ có thể tăng trưởng tín dụng được 27 - 30%, còn với bản thân Eximbank, tăng trưởng tín dụng của chúng tôi đến thời điểm này còn chưa đạt 1%”, ông Phước nói.

Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, lãi suất cho vay của Ngân hàng đang từng bước được cắt giảm dần, xuống mức thấp nhất dưới 10%/năm dành cho các doanh nghiệp có nền tảng tốt và dự án khả thi. Theo ông Thanh, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận mới có thể giải quyết được bài toán giải ngân vốn.

Do đó, việc các nhà băng có quy mô vừa và nhỏ, đẩy mạnh huy động vốn bằng cách tăng lãi suất huy động sẽ càng khiến cho việc giải ngân thêm khó khăn hơn, vì các nhà băng này khó có thể đưa lãi suất cho vay về ngang bằng với các ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB…  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN