Lập danh sách "đen" khách hàng tiền gửi

Sau vụ việc rửa tiền gây chấn động của HSBC tại Mỹ và Mexico, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang là mục tiêu của giới rửa tiền.

Do đó, phân loại khách hàng, trang bị phần mềm nhận diện các giao dịch đáng ngờ là nhiệm vụ cần làm ngay của các ngân hàng.

Khát vốn, ngân hàng lơ là kiểm soát nguồn tiền

Theo Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm). Việc báo cáo phải thực hiện trong thời gian chậm nhất 48 giờ thông qua các hình thức văn bản, điện tử, thậm chí bằng điện thoại.

Tuy nhiên, ngay thời điểm nghị định trên ra đời, nhiều ngân hàng đã tỏ ra e ngại vì sợ mất khách hàng. Thực tế, rất ít ngân hàng nghiêm túc thực hiện quy định này. Bằng chứng là, Nghị định 74/2005/NĐ-CP ra đời đã được 7 năm, nhưng số vụ rửa tiền được phát hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thói quen thanh toán dùng tiền mặt cộng với sự lơ là trong kiểm soát rửa tiền của Việt Nam đang biến Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động rửa tiền. Trong khi đó, phía ngân hàng gần như buông lỏng việc kiểm soát các giao dịch đáng ngờ. “Tình trạng phổ biến ở nước ta là khách hàng mang từng bó tiền vào ngân hàng để gửi mà không bị truy hỏi nguồn gốc tiền. Trong khi đó, ở nhiều nước, khách hàng gửi lượng tiền lớn đều phải khai báo rất rõ ràng”, ông Hiếu nói.

Nhiều ngân hàng lý giải, sở dĩ xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân do thói quen thanh toán bằng tiền mặt, còn do tình trạng khát vốn kéo dài của các ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng dùng mọi chiêu bài để câu kéo khách gửi tiền, mà không quan tâm tiền đó “sạch” hay “bẩn”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thừa nhận, ở Việt Nam, việc phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng hầu như chỉ kiểm soát chặt tín dụng cho vay, còn lượng tiền huy động dường như vẫn bị buông lỏng.

Đồng quan điểm, ông Lê Như Dương, Trưởng phòng Quản lý rửa tiền (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCB) cho rằng, thời gian qua, các ngân hàng mải mê kinh doanh kiếm tiền, mà lơ là nhiệm vụ phòng chống rửa tiền. Cũng theo ông Dương, từ đầu năm đến nay, VCB đã phát hiện hàng chục tỷ đồng giao dịch lòng vòng, có dấu hiệu đáng ngờ.

Lập danh sách "đen" khách hàng tiền gửi - 1

Ông Nguyễn Trí Hiếu: “Cần phải lập danh sách ‘đen’ những khách hàng gửi tiền, tùy mức độ rủi ro".

Phải lập “danh sách đen” khách gửi tiền

Theo quy định mới nhất của Luật Phòng, chống rửa tiền, giá trị giao dịch phải báo cáo không được quy định cụ thể, mà sẽ tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức 200 triệu đồng hiện nay vẫn là con số hợp lý. Tại Mỹ, hiện khách hàng và ngân hàng cũng phải kê khai, báo cáo nếu có các giao dịch từ 10.000 USD trở lên.

Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền hồi tháng 6 vừa qua được coi là cơ sở vững chắc để Việt Nam tiến hành kiểm soát các giao dịch rửa tiền. Song theo các chuyên gia kinh tế, quan trọng là NHNN phải có chế tài bắt buộc các ngân hàng thương mại phải đầu tư nhiều công cụ để chống rửa tiền. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn, bởi để đầu tư hệ thống chống rửa tiền hoàn chỉnh, các ngân hàng phải chi tới 1 triệu USD.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước mắt, để góp phần chống rửa tiền, các ngân hàng cần gấp rút phân loại khách hàng gửi tiền. Đây là điều các nước trên thế giới thực hiện từ lâu, song ở nước ta thì chưa ngân hàng nào triển khai.

“Cần phải lập danh sách ‘đen’ những khách hàng gửi tiền, tùy mức độ rủi ro. Ví dụ, nhóm khách hàng gửi tiền có mức độ rủi ro thấp nhất là công nhân viên chức nhà nước, người buôn bán lẻ. Nhóm khách hàng gửi tiền có mức độ rủi ro cao là buôn bán bất động sản, buôn bán qua biên giới, nhập lậu vàng, đánh bạc… Với khách hàng có mức độ rủi ro cao, ngân hàng phải thường xuyên theo dõi”, TS. Hiếu đề xuất.

Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu xét về mức độ rủi ro, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ít có nguy cơ bị tội phạm lợi dụng rửa tiền hơn ngân hàng trong nước, bởi các ngân hàng này đã có thói quen và có đầy đủ công cụ phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Liên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN