Được cho vay nhưng phải chịu thuế

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn nhàn rỗi và cho đối tác vay như một cách hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Có thể do bạn hàng không còn tài sản thế chấp để vay ngân hàng nữa, DN có vốn nhàn rỗi tin cậy vào khả năng sản xuất kinh doanh của bạn hàng nên dùng vốn nhàn rỗi của mình cho bạn hàng vay.

Theo Thông tư 06/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (VAT) thì DN không phải là tổ chức tín dụng cho vay và thu được lãi thì phải lập hóa đơn thu lãi và chịu VAT (thuế suất 10%). Thông tư 06/2012 ban hành ngày 11-1-2012 và áp dụng từ 1-3-2012.

Vào tháng 2-2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn 608/VPCP-KTTH, trong đó Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến “chỉ hoạt động “dịch vụ tín dụng” theo Luật Các tổ chức tín dụng thì mới thuộc đối tượng không chịu VAT”. “Không khuyến khích các tổ chức kinh tế không có chức năng tín dụng thực hiện hoạt động tín dụng, nếu có phát sinh “dịch vụ tín dụng” thì hoạt động này phải chịu VAT”.

Như vậy, DN vẫn được cho DN khác vay. Có điều, do DN cho vay như vậy thì không đáp ứng điều kiện như các ngân hàng cho vay theo Luật Các tổ chức tín dụng nên không được hưởng chính sách về VAT như ngân hàng mà thôi.

Tiếp theo đó thì nhiều DN có thắc mắc với Tổng cục Thuế. Bộ Tài chính ghi nhận vướng mắc và có Công văn số 6812/BTC-TCT ngày 22-5-2012 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét không thu VAT đối với khoản thu từ hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân (không phân biệt tổ chức tín dụng hay DN).

Tháng 7-2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5275/VPCP-KTTH. Theo công văn này, “tình hình như trong báo cáo của Bộ Tài chính nêu đang tồn tại là thực tế khách quan, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tìm hiểu kỹ tình hình thực tế về hoạt động cho vay vốn của tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng để nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đối với từng hình thức cụ thể (trong đó cần nêu rõ sự cần thiết khách quan tồn tại của từng loại, quan điểm xử lý, biện pháp giám sát, chính sách thuế...) nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phù hợp với chính sách chung và bản chất thực của vấn đề”.

Như vậy, vấn đề DN (không phải là tổ chức tín dụng) cho nhau vay vẫn còn đang chờ chính sách giải quyết và chính sách này sẽ xử lý theo bản chất của từng dạng vay.

Những khoản vay đã phát sinh, trong khi chờ chính sách thì DN cứ thực hiện theo Thông tư 06/2012, lập hóa đơn, chịu GTGT 10%.

Về phía DN đi vay tiền và phải trả lãi vay thì cũng được hạch toán. Theo điểm g khoản 2 Điều 9 của Luật Thuế TNDN thì “phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay” sẽ không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN. Nghĩa là khoản vay này được công nhận nhưng không được “bình đẳng” như khoản vay ngân hàng. Quy định như vậy nhằm chống tín dụng lãi suất cao, tránh việc DN trả lãi thật cao, kê khống chi phí chứ không cấm DN vay DN, vay cá nhân.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao:

Quy định còn bất cập

Hiện pháp luật quy định về vấn đề này còn nhiều bất cập so với tình hình thực tế trong xã hội. Việc vay mượn trong xã hội là bình thường, chỉ trừ trường hợp cho vay mang tính chuyên nghiệp hoặc kèm theo điều kiện bất thường là trái luật. Doanh nghiệp làm ăn với nhau thì phải tạo sân chơi bình đẳng mang lại lợi ích cho họ và tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Thực tế có những khoản vay nếu chờ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội kinh doanh trước mắt bởi thủ tục rườm rà. Là người kinh doanh, đương nhiên họ chọn cách vay doanh nghiệp khác nhanh gọn để có thể chớp lấy cơ hội kinh doanh tạo lợi nhuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN