Đồng nội tệ vẫn mất giá trong năm tới

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm tới, nhìn chung tình hình kinh tế sẽ tốt hơn so với năm 2012. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một số vấn đề quan trọng có ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Vẫn có những tín hiệu tích cực

Mặc dù kinh tế năm 2012 còn vô vàn khó khăn song theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia vẫn giảm mạnh do sức tiêu thụ của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản suy yếu do khủng hoảng tài chính thì kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm vẫn tăng mạnh là một tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam.

“Nếu tận dụng tốt điều này cùng với việc những yếu tố gây bất lợi cho tăng trưởng trong năm 2012 giảm dần, đầu tư từng bước được phục hồi sẽ là những tín hiệu giúp gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, qua đó kích thích khu vực sản xuất tăng trưởng trở lại, tồn kho giảm dần, tốc độ lưu chuyển tiền tệ tăng lên và nền kinh tế sẽ thoát khỏi giai đoạn trì trệ”, bà Thanh nhận định.

Tuy vậy, để tận dụng tốt cơ hội này, bà Thanh cho rằng vấn đề quan trọng là phải xác định các mục tiêu phát triển phù hợp, các chính sách điều tiết hướng tới sự ổn định, giải quyết các vấn đề của nền kinh tế, trong đó đặc biệt tập trung vào giải pháp giải quyết tình trạng suy giảm tổng cầu.

Trong khi đó, để giải quyết vấn đề suy giảm tổng cầu, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mấu chốt để giải quyết vấn đề này là đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng bằng giải pháp mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn có được từ phát hành trái phiếu công trình (ước tính có thể phát hành được từ 60-80 ngàn tỷ đồng trái phiếu công trình). Qua đó đẩy mạnh cầu đầu tư, tiêu dùng, nâng tổng cầu của nền kinh tế để đẩy nhanh tiến trình phục hồi tăng trưởng.

Nhìn chung, tình hình kinh tế trong năm 2013 được đánh giá sẽ tốt hơn so với năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xem năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp nên cần tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.

“Một trong những vấn đề tạo động lực phát triển kinh tế trong năm 2013 là cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sử dụng công nghệ; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hiệu quả của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh khẳng định.

Năm 2013, đồng nội tệ vẫn mất giá nhẹ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong năm 2013, khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức 8%. Để GDP đạt từ 5-6%, lạm phát sẽ ở mức 8-10%. Dự báo này của TS Hiếu đưa ra dựa trên việc nền kinh tế có thể sẽ diễn biến khả quan hơn một chút khi những biện pháp của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện sẽ phần nào phát huy tác dụng. Đồng thời, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng nhưng cũng bớt trì trệ hơn bởi những nỗ lực giải quyết từ châu Âu và Mỹ, dẫn đến việc giá hàng hóa có thể sẽ cao hơn năm nay. Điều này sẽ dẫn đến cả lạm phát tâm lý và lạm phát nhập khẩu đều tăng.

Cũng theo TS Hiếu, kịch bản lạm phát thấp sẽ xảy ra nếu tình hình kinh tế thế giới và trong nước xấu hơn dự báo. Lúc này lạm phát rất dễ được kiềm chế bởi lực cầu yếu, thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, TS Hiếu kỳ vọng tình hình không quá xấu với những quyết tâm từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Cụ thể như tái cơ cấu ngân hàng, chứng khoán, lập lại trật tự trên thị trường vàng, và những chính sách rà soát và xem xét lại các dự án đầu tư công cũng sẽ giúp cho kinh tế vĩ mô cải thiện hơn.

“Vì thiên về khả năng lạm phát sẽ từ 8-10%, nên tôi cho rằng lãi suất cũng sẽ không giảm mà còn có khả năng tăng nhẹ. Đơn giản là khi tiền đồng mất giá, nhiều người dân tìm đến các tài sản an toàn khác như vàng, hay ngoại tệ. Các ngân hàng nhỏ vì vậy lại tiếp tục lao đao về thanh khoản và sẽ phải vượt trần để huy động được vốn. Và các ngân hàng lớn lại cũng sẽ tăng lãi suất để giữ khách hàng. Như vậy, mặt bằng lãi suất chung rất khó giữ”, TS Hiếu nhận định.

TS Hiếu cũng nêu cụ thể, việc thả nổi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vốn đã hứa trong năm nay chưa thực hiện được sẽ sớm được triển khai. Nếu lãi suất đi theo xu hướng thị trường thì nền kinh tế đỡ méo mó hơn bởi các công cụ hành chính.

Việc chỉnh đốn ngân hàng nhỏ nên thực hiện sớm, nên bỏ quan điểm không để ngân hàng nào đổ vỡ, và sáp nhập họ lại với nhau vì thực tế họ vẫn yếu, còn buộc ngân hàng lớn vào cuộc cũng nguy hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ, gián tiếp ảnh hưởng đến hệ thống. Nếu thấy ngân hàng nào yếu, nên cho họ phá sản, các nước cũng thực hiện như vậy. Nếu ráo riết với việc này thì lãi suất sẽ không có những cuộc đua không cần thiết và sẽ không cần đến công cụ trần lãi suất như hiện nay, TS Hiếu nêu quan điểm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vnmedia
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN