Doanh nghiệp - NH: Đối thoại gay gắt

Đã có những lời lẽ cay đắng, gay gắt từ phía doanh nghiệp trong cuộc đối thoại giữa DN với ngân hàng hôm qua (7-9) tại Đà Nẵng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất vay.

Không thể hiểu nổi

Ông Nguyễn Hữu Thành - GĐ Cty TNHH Minh Toàn, nói: Tất cả các DN ngồi đây nhiều người đã và đang nghèo đi vì lãi suất. Bản thân các DN đi vay vốn, cạy cục gõ cửa ngân hàng rồi è lưng gánh lãi, nhìn thấy DN mình ngày càng cùn mòn, đi đến phá sản, ai cũng thấy xót xa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào hiểu được tại sao chúng ta lại không thể quản lý được hệ thống Ngân hàng TMCP.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á, bày tỏ: Hơn 2 năm liên tục tăng lãi suất, phải đến ngày 15-7, NHNN mới có lệnh giảm, quá muộn và chậm trễ.

Các nước khác cũng nằm trong xu thế khủng hoảng, nhưng họ vẫn giữ được lãi suất ổn định, giúp DN làm ăn khấm khá, góp phần phát triển, như Nhật Bản, lãi suất 0%, Thái Lan 3%, hay Trung Quốc 0 - 3%... còn ở Việt Nam, thật không thể hiểu nổi.

Lấy đâu ra tài sản để thế chấp vay mới?

Trên thực tế, một số NH ở Đà Nẵng đã giảm lãi suất xuống 12-15%, thậm chí một số NH khác đã giảm xuống còn 9-10% và ra sức có những chiêu khuyến mãi, giữ chân khách hàng VIP.

Ông Nguyễn Trọng Khải - GĐ Cty TNHH K&H nói với PV Tiền Phong: Cty tôi vay vốn một NH cổ phần, hồi đầu năm lãi suất cao chóng mặt, những 25%, nhưng gần đây họ đã hạ xuống còn 13%. Khi tôi đáo hạn, họ vẫn giữ 13%, lập tức NH An Bình gửi fax sang chào giá, cho vay 11,5% khiến NH tôi đang vay cũng phải điều chỉnh. Bây giờ họ cạnh tranh khốc liệt lắm.

Ông Trần Văn Lĩnh - GĐ Cty thủy sản Thuận Phước, nói: Có nhiều NH sẵn sàng cho tôi vay hàng chục tỷ, lãi suất 10% tôi cũng lắc. Thế nhưng, hai câu chuyện trên đem so với hàng chục ngàn DN đang sống dở chết dở là quá nhỏ bé.

Bà Hoàng Thị Nhạn - TGĐ Cty Khải Phát, phân tích: lãi suất hạ, nhưng là hạ từ từ. Ngân hàng nói thẳng, muốn hạ nhanh cũng phải từ từ, và hậu quả để lại từ nợ cũ quá lớn, đến mức DN không còn gượng dậy được. Lãi cho vay mới 12-15%, nhưng lãi nợ cũ vẫn trên 15%, còn nhiều NH chưa chịu xuống, cứ dao động 16-18%, thậm chí là 21% thì DN nào chịu nổi ?

Ông Nguyễn Trọng Khải, nói: DN vừa và nhỏ hàng tồn kho quá nhiều, sức mua không có, lấy đâu ra tài sản để thế chấp vay mới, trong khi nợ cũ vẫn để lãi quá cao?

Ngân hàng: Có lỗi của DN

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình cho rằng, luôn trăn trở và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ông Hiếu nói: Bản thân NH cũng là chỗ đi vay tiền của người gửi với lãi suất 9%, trong điều kiện hiện nay mà cho vay 12% là huề vốn, thậm chí lỗ vì chi phí vốn quá cao, đó là chưa kể nợ xấu đang tràn lan.

Thực ra, hạ lãi suất không phải là chìa khóa, bởi nhiều DN không đáp ứng được điều kiện vay vốn, hồ sơ không hợp lệ, không chứng minh được hiệu quả dự án, khả năng thu hồi vốn thấp... Có hạ xuống 5% thì cũng khó vay được vì làm ăn không lãi ai dám cho vay? Lỗi này thuộc về DN và xu thế.

Bởi vậy, NHNN phải tạo điều kiện để chi phí vốn thấp, chính quyền từ T.Ư đến địa phương tạo quỹ bảo lãnh tín dụng nhiều vào. Có quỹ này bảo lãnh, NH sẽ mạnh tay cho vay.

Ông Nguyễn Đăng Bảo - đại diện Agribank, thẳng thắn: "Agribank đã giảm lãi suất nợ cũ xuống dưới 15%, các DN khó khăn còn được miễn, giảm lãi. Nhiều NH cũng làm như thế, thậm chí hạ lãi suất xuống 9% và sẵn sàng cho vay tín dụng, với điều kiện hàng hóa lưu thông tốt, vốn tự có đảm bảo cân bằng. NH muốn chia sẻ lắm, nhưng không thể vượt ngưỡng".

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN, hứa hẹn: Đầu năm, nhiều DN nói lãi suất 15% là mơ, giờ đã là hiện thực rồi, vậy cứ mơ tiếp đi. Lạm phát giảm đến đâu lãi suất sẽ hạ đến đó, cái này phụ thuộc xu thế kinh tế của thế giới và sự điều hành kinh tế của Chính phủ. Không có chuyện DN chết mà NH sống khỏe, có điều cái này còn tùy thuộc sự thích ứng thị trường của các DN.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, cho hay: Hằng tháng, NHNN tại Đà Nẵng phải gửi báo cáo cho ông tình hình giảm lãi suất, đến cuối năm, NH nào không chấp hành, sẽ nêu tên trực tiếp ở cuộc họp HĐND. Ngoài ra, UBND thành phố rà soát các DN gặp khó về vốn, có chiến lược kinh doanh hiệu quả sẽ được bảo lãnh vay vốn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Cường (báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN