DN tổng kết cuối năm: Người ăn không hết, kẻ lần chả ra

Năm 2013 đầy khó khăn về cơ bản đã kết thúc với kết quả lợi nhuận héo hắt cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại trong khi không ít hoạt động trong lĩnh vực độc quyền dự báo thu được hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận.

Kẻ héo hắt

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm có trụ sở ở Hà Nội ngao ngán, tình hình kinh doanh năm 2013 rất xấu. Bên cạnh việc phải lo cạnh tranh gay gắt, sức mua sụt giảm, công ty liên tục phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho từng quý cho phù hợp với thực tế. Năm 2012 công ty nỗ lực hết sức nên đạt được mức lợi nhuận gần 100 tỷ đồng. Đến nay, ước tính lợi nhuận toàn công ty được chưa đầy 30 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang bàn trong ban lãnh đạo cân nhắc việc thuyết phục các cổ đông cho khất, không trả cổ tức năm nay. Nếu có trả thì mức cổ tức dự kiến cũng sẽ cực thấp, chưa bằng một nửa mức lãi suất tiền gửi ngân hàng. So với các ngành kinh doanh khác như viễn thông, điện, xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất chúng tôi chịu sức ép lớn hơn rất nhiều”, ông tâm sự.

DN tổng kết cuối năm: Người ăn không hết, kẻ lần chả ra - 1

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết không đạt kế hoạt kinh doanh năm 2013. Ảnh: Như Ý.

Giam đốc một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ô tô tại huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), ông D.M.T cho biết, công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho dự án đóng vỏ thùng ô tô nhưng do vướng cơ chế nên số tiền này gần như “mất không”. Quá khó khăn nên doanh nghiệp đành phải ngậm ngùi phá một phần lớn diện tích nhà xưởng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trước đó để chuyển thành đất cho đơn vị khác thuê, lấy tiền duy trì hoạt động.


 

“Chúng tôi đang bàn trong ban lãnh đạo cân nhắc việc thuyết phục các cổ đông cho khất, không trả cổ tức năm nay. Nếu có trả thì mức cổ tức cho các cổ đông năm nay dự kiến cũng sẽ cực thấp, chưa bằng một nửa mức lãi suất tiền gửi ngân hàng. So với các ngành kinh doanh khác như viễn thông, điện, xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất chúng tôi chịu sức ép lớn hơn rất nhiều”.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm tâm sự

Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu và thiết bị thuộc quận Lê Chân (Hải Phòng) cho biết, do quá khó khăn, công ty đã phải chuyển phần lớn hoạt động vào TPHCM nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. “Chưa chốt số liệu chính thức nhưng dự báo năm nay công ty gần như không có lãi. Trong hơn 10 năm kinh doanh, chưa năm nào tình hình kinh doanh xấu như năm nay. Họp ban lãnh đạo ai cũng căng thẳng nhưng không có kế sách gì để thoát khỏi khó khăn”, ông nói.

Đại diện một số doanh nghiệp ngành cao su cũng cho biết, nhiều đơn vị lợi nhuận gần như không có, không thể hoàn thành kế hoạch do phải đối mặt với tình trạng giá bán mủ cao su liên tục sụt giảm. Điển hình, Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) mới đây đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2013 với mức giảm lợi nhuận gần 50% so với dự kiến. Một doanh nghiệp khác cùng ngành là Công ty CP Cao su Phước Hòa cũng phải lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, để điều chỉnh kê hoạch doanh thu 2013.

Người lãi to

Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết không có lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước thông báo đã đạt được lợi nhuận lớn trong năm 2013. Theo thông tin từ Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), năm 2013 là năm đơn vị có kết quả kinh doanh khá tốt khi hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt một số chỉ tiêu đã về đích trước thời hạn 2-5 tháng.

Với lợi thế kinh doanh trong lĩnh vực khí hóa lỏng và chiếm thị phần lớn trên cả nước, tổng doanh thu của PV Gas năm 2013 đạt trên 65.000 tỷ đồng (bằng 118% kế hoạch). Riêng doanh thu của PV Gas chiếm 10% doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và chiếm 2% GDP của cả nước.

Một đơn vị mức lãi khủng dự tính năm 2013 nữa phải kể đến là trường hợp của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) với mức lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính ở mức 1.750 tỷ đồng. So với mức lợi nhuận đặt ra từ đầu năm, PVD dự tính sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 400 tỷ đồng.

Cùng có mặt trong nhóm các doanh nghiệp đạt lợi nhuận khủng năm 2013, theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) năm 2013 tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng lưới. Tổng doanh thu của doanh nghiệp này ước thực hiện 162.886 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2012.

Dù bị vượt khá xa về mặt doanh thu, ít hơn Viettel 43.886 tỷ đồng, năm 2013 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đạt doanh thu khá cao, ước 119.000 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận toàn tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, bằng 179,09% so với năm 2012.

Bên lề Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu và thực hiện Nghị định 99 đối với doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xác nhận, năm 2013 tập đoàn có mức lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2012.

Chỉ trong 3 quý đầu năm, Petrolimex đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 1.579 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu đạt khoảng 729 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, lũy kế 11 tháng, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt gần 157.000 tỷ đồng, tương đương 7,38 tỷ USD, tăng hơn 21% so với 2012.

Nhiều chuyên gia dự đoán, với việc tăng giá điện trong thời gian qua, năm nay, EVN có lãi ít nhất cũng phải bằng mức lãi 6.000 tỷ đồng của năm ngoái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN