Đau tim với độ tăng, giảm mạnh mẽ của PVX

Hiện nay, trên cả 2 sàn, PVX (cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) được đánh giá là cổ phiếu khiến nhà đầu tư “đau tim” nhất.

Bất thường như PVX

Trong thời gian ngày, nhiều nhà đầu tư đùa rằng những ai đau tim không nên “lướt sóng” PVX vì cổ phiếu này có diễn biến bất thường, tăng, giảm không theo quy luật hay theo tin tức. PVX đặc biệt ở chỗ, đã tăng thì tăng mạnh, đã giảm thì giảm sâu hoặc đứng giá chứ không “lờ đờ nước hến”.

Tuần này, PVX có 2 phiên đứng giá, 2 phiên giảm mạnh. Đóng cửa tuần, PVX bất ngờ tăng trần, tăng 300 đồng/CP lên 3.900 đồng/CP. Nhà đầu tư vừa quay lưng với PVX nay bỗng đổ xô vào cổ phiếu này. Kết phiên, dư mua trần PVX ở mức khá cao 229.870 đơn vị.

Nếu chỉ mấy phiên gần đây, PVX bị nhà đầu tư thẳng tay xả hàng thì hôm nay, bên bán lại lép vế so với bên mua. Trong khi dư mua liên tục chất cao như núi thì trên bảng giao dịch điện tử, bên bán hoàn toàn trống trơn.

PVX đang nổi trở lại. Điều đó được thể hiện rõ qua tốc độ tăng mạnh và khối lượng giao dịch đạt mức rất cao 10.320.018 đơn vị. Tuy nhiên, chẳng ai dám chắc tới ngày mai, PVX còn duy trì được sức nóng này nữa hay lại bị nhà đầu tư thẳng tay xả hàng.

“Tình yêu” của nhà đầu tư dành cho PVX lúc lên bổng, lúc xuống trầm. Đó là do PVX được đánh giá là cổ phiếu nóng, biên độ dao động lớn. Nếu “lướt” khéo, PVX có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn hơn đa số các cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sàn.

Nhưng “tình yêu” với PVX nhanh chóng bị đổi chiều vì PVX có nền tảng không tốt. Trong suốt thời gian dài qua, PVX giao dịch ở mức chỉ bẳng 30% mệnh giá. Thị giá PVX thấp vì Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam có kết quả kinh doanh yếu kém.

Cụ thể, trong quý 4/2013, PVX lỗ hợp nhất trước thuế 853 tỷ, lỗ sau thuế 855 tỷ, lỗ ròng 710 tỷ trong quý 4/2013; Lũy kế cả năm, PVX lỗ trước thuế hơn 2.600 tỷ, lỗ ròng 2.110 tỷ trong năm 2013.

Có thể thấy, PVX đang nằm trong top đầu những doanh nghiệp thua lỗ lớn nhất.

Nỗ lực đảo chiều

Bên cạnh PVX, hôm nay, nhiều mã trên sàn Hà Nội cũng rủ nhau tăng trần. Một số mã có thể kể đến như BKC tăng 1.200 đồng/CP lên 13.200 đồng/CP, DHT tăng 2.500 đồng/CP lên 28.200 đồng/CP, NAG tăng 400 đồng/CP lên 4.500 đồng/CP, PVA tăng 300 đồng/CP lên 3.700 đồng/CP, PXA tăng 200 đồng/CP lên 2.500 đồng/CP,…

Không tăng trần như những cổ phiếu nhỏ kể trên nhưng blue-chip cũng góp phần lớn giúp HNX-Index đảo chiều thành công khi tăng mạnh. Các mã đó là AAA tăng 1.100 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP, ACB tăng 100 đồng/CP lên 16.100 đồng/CP, BVS tăng 200 đồng/CP lên 13.700 đồng/CP, NTP tăng 600 đồng/CP lên 68.500 đồng/CP,…

Sự đi lên đồng thuận của cả blue-chip và penny giúp HNX-Index duy trì được sắc xanh tới cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch 21/2, HNX-Index tăng 0,66 điểm, tương ứng 0,83% và đóng cửa ở mức 80,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 72.319.923 cổ phiếu, tương ứng 708,43 tỷ đồng, giảm mạnh so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.058.016 cổ phiếu, tương ứng 11,42 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 130 mã tăng giá, 78 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.

HXN30-Index tăng nhẹ hơn HNX-Index. Đóng cửa phiên 21/2, HNX30-Index tăng 0,85 điểm, tương ứng 0,54% và đóng cửa ở mức 159,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41.997.300 cổ phiếu, tương ứng 503,66 tỷ đồng Trong nhóm có 13 mã tăng giá, 11 mã đứng giá và 5 mã giảm giá.

Không được may mắn như HNX-Index, VN-Index có phiên đảo chiều bất thành dù đã rất nỗ lực. Đầu phiên, thị trường tiếp đà giảm sâu của ngày hôm qua khi áp lực bán ròng vẫn áp đảo thị trường. HSG, HPG, KDC, VIC gây áp lực khiến VN-Index hụt hơi trong gần 2 tiếng.

Sau đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, GAS, VNM tăng mạnh, hỗ trợ VN-Index. VN-Index phục hồi và duy trì đà xanh tới thời điểm kết thúc phiên sáng. Thế nhưng, diễn biến trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh kịch tính hơn sàn Hà Nội. Cuối phiên, VN-Index lại chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index giảm 0,47 điểm, tương ứng 0,08% và dừng ở mức 570,57 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 96 mã giảm giá. 

Yếu tố được nhà đầu tư quan tâm nhất hôm nay chính là khối lượng giao dịch. Hôm qua, giao dịch trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức cao nhất từ trước tới nay với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Hôm nay, giao dịch giảm 50%, thị trường lùi về mức “bình ổn”. Tổng khối lượng giao dịch đạt 124.763.395 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.981,89 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 8.417.025 cổ phiếu, tương ứng 155,49 tỷ đồng. 

VN-Index đảo chiều bất thành nhưng VN30-Index lại đóng cửa ở sắc xanh. Chốt phiên giao dịch ngày 21/2, VN30-Index tăng 0,67 điểm, tương ứng 0,1% và dừng ở mức 639,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44.778.040 cổ phiếu, tương ứng 1.018,53 tỷ đồng. Trong nhóm có 13 mã tăng giá, 7 mã đứng giá và 10 mã giảm giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN