Cẩn trọng ‘con dao hai lưỡi’ lãi suất
Lãi suất huy động đang được đẩy lên, khi các ngân hàng cấp tập chuẩn bị nguồn vốn cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Dù tín dụng tăng trưởng chậm, nhưng ACB vừa đưa ra biểu lãi suất tiết kiệm mới với lãi suất 13%/năm (kỳ hạn 13 tháng) và 12,5%/năm (kỳ hạn 1 năm), lĩnh lãi cuối kỳ.
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm nay âm đến 2,3%, nhưng Eximbank vẫn nâng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên 12,8%/năm và 12 tháng là 12,3%/năm; kỳ hạn 15 - 36 tháng được hưởng lãi suất 12%/năm. Mức lãi suất mới được Eximbank áp dụng cho kỳ hạn dài ngày tăng gần 1% so với trước đó.
Bên cạnh việc tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng còn tăng khuyến mãi, nhằm tạo tính hấp dẫn cho khách hàng gửi tiết kiệm. ACB vừa triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng với tên gọi “Mùa lễ hội ACB 2012”, với tổng giá trị lên đến 9 tỷ đồng. Sacombank triển khai chương trình khuyến mãi “Gửi tiền trúng liền” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 5,7 tỷ đồng. Trong khi đó, WesternBank phát hành kỳ phiếu ghi danh ngắn hạn đợt 1 và ra mắt sản phẩm “tiền gửi linh hoạt”, lãi suất cao nhất 12,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Động thái tăng lãi suất cùng khuyến mãi huy động tiết kiệm gần đây của các ngân hàng thương mại là nhằm hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân. Nhưng đáng chú ý là, vẫn còn hiện tượng xé trần lãi suất huy động, nâng lãi suất kỳ hạn ngắn từ 9%/năm lên 11 - 12%/năm.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, sự cố xảy ra tại ACB vừa qua khó tránh được một lượng tiền tiết kiệm chảy khỏi Ngân hàng, nên việc gặp khó về thanh khoản là điều khó tránh và ACB đang giải quyết bằng cách tăng cường các giải pháp khuyến mãi, tạo tính hấp dẫn để thu hút lượng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Vì thế, chính sách lãi suất 13%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm cũng không nằm ngoại mục tiêu trên của ACB.
Kỳ vọng tín dụng sẽ được cải thiện mạnh trong những tháng còn lại, nhất là khi mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp đang cận kề, nên việc chuẩn bị tốt cho thanh khoản là cần thiết để đón nhu cầu vốn. Trong đó, phải kể đến là những ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng thêm “room” tín dụng.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank (ngân hàng vừa được nâng chỉ tiêu tín dụng lên 30%, thay vì 10% thời điểm đầu năm) cho biết, HDBank không ngừng khuyến mãi để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. HDBank vừa ra mắt sản phẩm tiết kiệm “tích lũy tương lai”; theo đó, khách hàng chỉ cần gửi định kỳ từ 100.000 đồng/tháng, hoặc 300.000 đồng/quý, đã được hưởng mức lãi suất cạnh tranh và có thể rút vốn trước hạn khi có nhu cầu.
Kể từ đầu tháng 9/2012, NHNN siết chặt hơn thị trường liên ngân hàng, khiến các ngân hàng có nhu cầu vốn chỉ có thể đẩy mạnh huy động ở thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế). Theo quy định mới của NHNN, các tổ chức tín dụng không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền thanh toán) tại tổ chức tín dụng khác và nếu muốn được giao dịch liên ngân hàng, thì phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch (đối với bên đi vay), nên nhu cầu vốn ngắn hạn cũng tăng lên. Vì thế, ngân hàng gặp khó về vốn do không thể nhờ cậy thị trường liên ngân hàng như trước, nên phải đẩy lãi suất huy động.
Trong khi đó, đánh giá được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia, tín dụng những tháng còn lại của năm 2012 sẽ khó đạt mức 2% như mục tiêu kỳ vọng của ngành ngân hàng.
Vì vậy, các ngân hàng phải thận trọng với cuộc đua lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng. Lãi suất luôn là con dao hai lưỡi, bởi một khi chi phí đầu vào bị đội lên, sẽ khó thực hiện được bài toán cắt giảm lãi suất cho vay, cũng như tăng trưởng tín dụng.