Bung tiền, đè lãi suất để tìm người vay

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng từ 13%-15% trong năm nay được cho là không dễ dàng nên ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi để tìm người vay.

Gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho vay khách hàng doanh nghiệp (DN) với lãi suất từ 6%/năm và khách hàng cá nhân từ 6,4%/năm đang được Ngân hàng (NH) TMCP Nam Á (Nam A Bank) triển khai.

Chạy đua lãi suất thấp

NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng tung gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỉ đồng cho các DN mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vay, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm. Với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, Viet Capital Bank cũng bung 2.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm, ưu đãi trong 3 tháng đầu. Khách hàng có thể vay từ 100 triệu đồng trở lên để mua sắm vật dụng gia đình, bất động sản, xe, thanh toán học phí trong nước, khám chữa bệnh… Viet Capital Bank khẳng định sẽ đơn giản các thủ tục, quy trình để giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng nhất.

Bung tiền, đè lãi suất để tìm người vay - 1

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) Ảnh: TẤN THẠNH

Tại NH TMCP An Bình (ABBank), khách hàng cá nhân vay vốn trung và dài hạn cũng được hưởng lãi suất từ 8%/năm trong 12 tháng đầu của gói tín dụng 1.000 tỉ đồng vừa được triển khai. Nếu vay từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn từ 24 tháng, người vay còn được miễn phí trả nợ trước hạn 2 năm. Theo bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank, gói ưu đãi tín dụng trung dài hạn sẽ hỗ trợ mạnh hơn nữa về nguồn vốn lãi suất thấp cho các mục đích kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng cá nhân của khách hàng, giúp kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh. “ABBank cũng kỳ vọng gói tín dụng sẽ giúp phát triển dư nợ cá nhân trung dài hạn một cách bảo đảm và hiệu quả” - bà Hằng nói.

Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, một số NH còn đưa ra nhiều ưu đãi riêng về phí phạt, thủ tục, giải ngân nhanh… để kéo khách. Ông Huỳnh Trung Minh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân của NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho biết một chương trình ưu đãi với lãi suất “sốc” chỉ 3,8%/năm trong 6 tháng đầu sẽ được NH triển khai. Đây có thể xem là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường tại thời điểm này, kỳ vọng sẽ thu hút được khách hàng vay vốn. “Để cạnh tranh, nếu khách hàng trả nợ trước hạn trong 2 năm sẽ không bị phạt, NH chỉ thu hồi khoản lãi suất ưu đãi” - ông Huỳnh Trung Minh nói.

Kiếm lợi nhuận từ các khoản khác

Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay chỉ ưu đãi trong thời gian đầu, sau đó thả nổi khiến khách hàng không yên tâm nhưng các NH thương mại vẫn liên tục dùng “chiêu” này để cạnh tranh, thu hút người vay. Đại diện một NH lý giải nếu tính toán sòng phẳng, khách hàng vẫn có lợi và sau khi kéo được khách vay vốn sẽ là chuyện về chất lượng dịch vụ của NH. Cho vay lãi suất thấp, NH có thể lỗ trong thời gian ưu đãi nhưng là cần thiết để “xâm chiếm thị phần” và thu lợi nhuận từ các khoản khác. Chẳng hạn, một khách hàng khi vay vốn NH sẽ phải mở thẻ thanh toán, nhận lương qua thẻ và sử dụng nhiều dịch vụ khác, giúp NH có thêm nhiều nguồn thu.

“Đã qua thời doanh thu của NH chỉ chăm chăm vào lãi suất cho vay. Với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NH để tìm khách hàng tốt như hiện nay, NH nào có chất lượng dịch vụ cao và lãi suất ưu đãi sẽ có ưu thế” - một lãnh đạo NH Nhà nước thẳng thắn.

Hỏi về bức tranh tín dụng năm nay, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhận định sẽ “cực kỳ gay gắt” nên ngoài lãi suất, bản thân mỗi NH phải có chính sách riêng về cơ chế, thủ tục, chăm sóc khách hàng và nhiều sản phẩm tiện ích đi kèm. Về tín dụng, lãnh đạo Sacombank cho rằng triển vọng không chỉ ở cho vay DN mà cả vay tiêu dùng cũng sẽ khởi sắc. Nền kinh tế đang hồi phục, cầu thị trường tăng lên sẽ kích thích nhu cầu vay tiêu dùng.

Tiếp tục hạ lãi suất

Sự vào cuộc tích cực ngay từ đầu năm của các NH thương mại đã giúp tín dụng trên địa bàn TP HCM không còn bị âm như các năm trước. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, 2 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tăng 1,1% - rất khả quan nếu so với vài năm gần đây. Ngành NH năm nay được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13%-15% là khá cao nên ngay từ đầu năm, các NH đã đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng. Đồng thời, dịp Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 2 nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng Tết… cần nguồn vốn lớn cũng tạo điều kiện cho tín dụng tăng trưởng.

“Các NH đang nỗ lực tiết giảm chi phí để kéo giảm thêm lãi suất cho vay trung dài hạn xuống từ 1%-1,5%/năm theo yêu cầu của thống đốc NH Nhà nước. Hiện một số NH thương mại nhà nước đang cho vay lãi suất trung dài hạn chỉ khoảng 9%/năm” - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Nói về khả năng giảm thêm lãi suất, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, nhìn nhận mức lãi suất cho vay so với khu vực là cao nhưng nếu so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mức lạm phát ở Việt Nam hiện nay là phù hợp. Các NH đều cố gắng tiết giảm chi phí để hạ thêm lãi vay nhưng muốn giảm lãi suất huy động mạnh hơn nữa phải thận trọng, cân nhắc đến yếu tố người gửi tiền.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Ông Phạm Như Bách, Giám đốc điều hành Công ty CP giấy Mai Lan, cho biết lãi suất vay 9%-10%/năm thấp hơn nhiều so với vài năm trước nhưng trong bối cảnh sức cầu thị trường còn quá yếu thì cộng đồng DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN đã “ngấm đòn” khủng hoảng từ 3-4 năm nay nên mức lãi suất này chỉ đủ để cầm cự, duy trì chứ chưa dám mở rộng đầu tư. Nếu đưa được lãi suất về tiệm cận với các nước trong khu vực mới hy vọng DN mạnh dạn vay vốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN