"Giá bất động sản đang chạm đáy"

“Giá bất động sản đang ở điểm đáy của thị trường tuy nhiên diễn biến giá đi theo đường cong Parabol hay hình chữ U thì cần phải có nghiên cứu rõ hơn”.

Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của người dân về rất nhiều vấn đề như quy hoạch, chất lượng công trình xây dựng, chính sách nhà ở....

Trong đó, riêng về thị trường bất động sản, Bộ trưởng chia sẻ, việc thị trường đóng băng trong thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là do nguồn vốn tín dụng bị siết chặt, lượng vốn cho vay ít nhưng lãi suất lại quá cao.

Nguyên nhân thứ hai là cầu của thị trường bất động sản thấp cho nên bất động sản dư thừa, hàng hóa không phù hợp với khả năng chi trả của thị trường. Vì vậy, rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Để giải quyết bài toán này thì vốn tín dụng cho thị trường là rất quan trọng nhưng phải với nguồn cung tín dụng ổn định và lãi suất thấp và đặc biệt là phải hướng tới người mua nhà.

Với lãi suất ưu đãi thì người mua mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, chúng ta phải cơ cấu lại hàng hóa bất động sản, tăng tỷ trọng nhà ở có quy mô vừa và nhỏ cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về giá bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sau một thời gian dài giảm mạnh thì giá bất động sản đang ở điểm đáy của thị trường. Tuy nhiên, diễn biến điểm đáy này đi theo hình Parabol hay hình chữ U thì cần phải có nghiên cứu kỹ hơn.

"Giá bất động sản đang chạm đáy" - 1

Sau một thời gian dài giảm mạnh, giá bất động sản đang ở điểm đáy của thị trường. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, cuối quý II, những tín hiệu tích cực từ chính sách vĩ mô đã khiến thị trường có nhiều dấu hiệu khả quan, thanh khoản trên thị trường được cải thiện. Giá bất động sản cũng đang bắt đầu đi lên từ điểm đáy. Mặc dù vậy nhưng theo Bộ trưởng thì thị trường chưa thể thoát khỏi khó khăn trong năm 2012.

Với vai trò là "tư lệnh trưởng" của ngành Xây dựng, tại buổi đối thoại, Bộ trưởng cũng đã bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì cần phân loại cụ thể các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, vay nhiều mà không bán được, chịu lãi suất cao, thì từ lãi thành lỗ, nợ xấu tăng lên. Không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. Loại thứ hai là các doanh nghiệp sử dụng ít tiền vay, sử dụng nguồn vốn của người dân mua nhà, hiện cũng khó khăn. Còn những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì không phải lo lắng.

"Tôi không phải nhà kinh doanh bất động sản, nhưng qua nghiên cứu, và đóng góp của các chuyên gia, cá nhân tôi cho rằng, trong lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản, và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này...", Bộ trưởng Dũng nói

Còn với người dân, Bộ trưởng đã thẳng thắn đưa ra lời tư vấn, trong lúc này những người có nhu cầu mua nhà để ở thì nên mua, còn với những người mua nhà để đầu tư thì cần phải thận trọng xem xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đào ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN