Bộ Tài chính: “Vay nợ để trả nợ” không làm cho nợ ngày càng tăng
“Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn”.
Đây là khẳng định của Bộ Tài chính về vấn đề vay nợ để trả nợ trong cơ cấu nợ công hiện nay.
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp như huy động thêm trái phiếu Chính phủ và thực hiện các khoản vay mới để đảm bảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc “vay nợ để trả nợ” sẽ làm cho dư nợ ngày càng tăng. Bộ Tài chính đã chính thức có văn bản trả lời: “Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. “Vay nợ để trả nợ” không làm cho nợ ngày càng tăng”.
Bộ Tài chính cho biết, để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã tính toán rất kỹ các phương án huy động vốn và tác động tới việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, khả năng trả nợ... với mục tiêu vừa thu hút nguồn vốn nước ngoài vừa đảm bảo nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua kế hoạch vay, trả nợ hàng năm và nghiêm túc triển khai thực hiện. Thực tế, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 59,6% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,4% GDP. Dự kiến đến hết năm 2015 dư nợ công bằng 62,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 49,1% GDP, trong giới hạn Quốc hội cho phép.
Như vậy, việc vay và trả nợ vay là theo kế hoạch, dự toán được duyệt. Biện pháp vay đảo nợ (vay mới, trả nợ cũ) cũng chỉ là biện pháp nghiệp vụ thông thường nhằm cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục bội chi ngân sách Nhà nước để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nhu cầu tối thiểu đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện còn rất yếu kém; đồng thời, cũng còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay ODA đang trong quá trình triển khai, cần tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh giải ngân để hoàn thành dự án.
Trước đó, trong một cuộc họp báo của Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải - Cục phó Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng được Quốc hội cho phép trong khi nguồn lực còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2014 khối lượng vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, đã huy động được 627,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Cũng theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%, năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).