Khó xử vì nhà xây...nhanh quá

UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng mua bán đất canh tác trái phép, xây biệt thự trên đất nông, lâm trường. Tuy nhiên, chỉ đạo này chẳng khác gì nước đổ lá khoai bởi nhiều lý do...

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Tình trạng mua bán đất đồi rừng, đồng cỏ, làm nhà cao tầng trái phép tại nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì đang gây nhiều hậu quả không dễ khắc phục. Các khu dân cư đã hình thành tự phát với hàng ngàn nhân khẩu nhưng không có hạ tầng. Đường, trường, trạm đều thiếu.

Mục tiêu hình thành các vùng sản xuất lớn gặp khó khăn vì đất đai đang bị chia năm xẻ bảy, hàng chục hecta về bản chất không còn nằm trong tay người sản xuất, và từ lâu cũng không được đưa vào sản xuất.

Khó xử vì nhà xây...nhanh quá - 1
Nhiều trường hợp đất nhận khoán của nông trường trước đây đã bị chia ô, bán nền cho các đại gia làm biệt thự, nhà vườn sinh thái, nay vẫn chưa biết hướng giải quyết ra sao.

Ông Nguyễn Quốc Ân, Phó giám đốc Cty CP Chè Việt Mông cho biết, khi giải thể nông trường, bàn giao đất cho Cty CP Chè Việt Mông mặc dù trên giấy tờ ghi 1117 ha đất nhưng khi đo lại thì chỉ còn 941 ha! Cty đã xây dựng dự án trồng và sản xuất chè và được tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt.

Tuy nhiên, do đất nông trường hầu hết đã giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 01 và do buông lỏng quản lý nên đã có đến 35-40% đất nông trường bị chuyển nhượng, mua bán trái phép.

Thiếu nguyên liệu, việc phát triển các vùng sản xuất theo quy hoạch gặp không ít khó khăn.

“Nhiều trường hợp đất nhận khoán của nông trường trước đây đã bị chia ô, bán nền cho các đại gia làm biệt thự, nhà vườn sinh thái, nay vẫn chưa biết hướng giải quyết ra sao. Việc đưa quỹ đất nông lâm trường trước đây vào sử dụng hiệu quả phải gắn liền với xử lý dứt điểm các tồn tại này”- ông Ân nói.

Ngoài ra, hàng chục hecta khác đã bị các nông, lâm trường, trạm trại tự ý cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê dài hạn để sản xuất kinh doanh đến nay vẫn chưa rõ cơ chế thu hồi hay xử lý.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, vai trò của chủ sử dụng đất là các nông, lâm trường hết sức mờ nhạt, hiệu quả sử dụng đất rất thấp.

Khó xử vì nhà xây... nhanh quá!

Vì sao đất nông, lâm trường bị mua đi bán lại, xây nhà trái phép kéo dài trong suốt thời gian dài? Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng, do việc quản lý khép kín của các nông, lâm trường trước đây nên sự phối hợp giữa nông, lâm trường với chính quyền địa phương hết sức lỏng lẻo.

UBND xã cũng không nắm được về hồ sơ địa chính và tình trạng mua bán trao tay. Quy định tại Nghị định 01 thiếu rõ ràng khi cho phép người dân được làm nhà tạm có diện tích tối đa 300 m2 trên đất nhận khoán.

Ông Nguyễn Xuân Chiến cho hay, thời gian qua xã đã xử lý 50 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông lâm trường, tuy nhiên do các hộ dân xây dựng vào ban đêm và lại xây quá nhanh nên xã xử lý không kịp, nhiều trường hợp xây xong mới biết!? Để khắc phục, ông Chiến đề nghị thành phố xem xét và có thể cho phép “hợp lý hóa” một số khu dân cư đã hình thành lâu năm, có nhiều nhân khẩu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Ân, Phó giám đốc Cty CP Chè Việt Mông lại khẳng định, để xảy ra vi phạm như hiện nay, bên cạnh trách nhiệm của các nông, lâm trường trước đây còn có phần trách nhiệm của địa phương.

“Nghị định 01 chỉ cho phép làm lều lán, nhà tạm để phục vụ sản xuất nhưng sau đó các hộ lại xây nhà cao tầng và mua đi bán lại xây biệt thự thì không thể đổ lỗi cho nghị định. Đó là lỗi của công tác quản lý đã thả nổi quá lâu”-ông Ân nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tuấn (báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN