14.000 tỉ đồng để 'giải cứu' doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế do yếu tố khách quan. Khoanh nợ trên 6.731 tỉ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2014 với số tiền trên 7.421 tỉ đồng. Trong đó riêng đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức trên 6.432 tỉ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh trên 989 tỉ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán với số tiền phạt chậm nộp tính đến 31-12-2015 là hơn 542 tỉ đồng.

14.000 tỉ đồng để 'giải cứu' doanh nghiệp - 1

Người dân đang kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế quận 3, TP.HCM. (Ảnh chụp chiều 3-8) Ảnh: HTD

Giải thích về việc đưa ra đề xuất trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuê,́ Bộ Tài chính, cho biết qua tổng kết việc xử lý nợ thuế, Bộ nhận thấy quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan.

“Chẳng hạn nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời” - đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng.

Cũng theo Bộ Tài chính nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định. Tuy nhiên, do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn nên vẫn còn nợ tiền chậm nộp. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp khiến đối tượng này chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản.

Ngoài ra, từ năm 2007 đến 2013, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn cùng với thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra khiến người nộp thuế gặp khó khăn chồng chất, nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ. Trong những năm gần đây, cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp. Hằng năm có khoảng 10% doanh nghiệp giải thể, phá sản nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về phá sản.

 “Chính vì vậy, nếu đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi, vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường” - ông Thi nói.

Khoanh nợ trên 6.731 tỉ đồng

Ngoài xóa nợ thuế, Bộ Tài chính còn đề xuất Chính phủ khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh phát sinh trong giai đoạn từ 1-1-2014 đến thời điểm 31-12-2015 khoảng 6.731 tỉ đồng. Trong đó số nợ của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức là 5.716 tỉ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh khoảng 1.015 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.

Mới đây Bộ Tài chính cũng đã trình dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lên Chính phủ để trình Quốc hội xem xét. Theo đó, dự thảo đưa ra kiến nghị giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 17% (hiện là 20%) áp dụng trong thời hạn tối đa bốn năm, giai đoạn 2017-2020.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN