Vì sao mắc viêm mão mô cầu có thể tử vong sau 24 giờ nhiễm bệnh

Sự kiện: Sống khỏe

Viêm não mô cầu đặc biệt nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện triệu chứng đầu tiên.

Vì sao mắc viêm mão mô cầu có thể tử vong sau 24 giờ nhiễm bệnh - 1

Viêm não mô cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Ảnh minh hoạ: Internet

Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu, nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 5 tuổi và nhóm tuổi thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi.

Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 2 tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi đó ở người lớn khoảng 25%.

Theo khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Vaccin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vaccin không có hiệu lực cao với trẻ dưới 2 tuổi. Tuy vậy, cha mẹ trẻ nên đưa con đi tiêm nếu trẻ có nguy cơ bị bệnh cao như gần nơi có xảy ra dịch bệnh, tiếp xúc với trẻ bị bệnh...

Người ta cũng khuyên nên tiêm vaccin đối với những người làm việc trong phòng thí nghiệm - nơi thường tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch não mô cầu xảy ra. Tiêm chủng nhắc lại có thể được chỉ định cho những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao (ví dụ người hiện đang sống trong vùng có vụ dịch xảy ra), đặc biệt là những trẻ khi được tiêm liều vaccin thứ nhất lúc dưới 4 tuổi. Những trẻ này nên được tiêm nhắc lại sau 2-3 năm nếu chúng vẫn có nguy cơ bị bệnh cao.

Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường tản phát và có thể gây dịch. Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm.

Viêm não mô cầu có thể để lại di chứng nghiêm trọngTheo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viêm não mô cầu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng điển hình là sốt cao, cứng cổ, đau đầu, nôn mửa, biếng ăn và bỏ ăn. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng hoặc phản xạ bất thường và biểu hiện cứng gáy rõ hơn.Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não gây tử vong, hay áp xe não khiến tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong.Những trường hợp may mắn sống sót có thể phải chịu di chứng nghiêm trọng như phù não, tổn thương thần kinh trung ương, cắt bỏ các chi, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

Viêm não mô cầu dễ lây qua tiếp xúc gần

Vi khuẩn não mô cầu khu trú trong dịch mũi họng, qua tiếp xúc thông thường chỉ cần dính chút dịch mũi họng như nước bọt, dịch tiết đường hô hấp của người đang ủ bệnh hoặc người phát bệnh là có thể bị nhiễm. 

Do vậy, khi phát hiện ra cần nhanh chóng cách ly người bệnh, đồng thời cách ly và theo dõi những người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc và không dùng chung vật dụng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.

Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao

Các chuyên gia y tế cho biết, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp nghiêm trọng, khó phát hiện sớm bởi các triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị kịp thời khiến tỷ lệ tử vong cao và bệnh dễ lây thành dịch. 

Nếu không điều trị kịp thời, ở thể tối cấp tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 60-70%, thể viêm màng não mủ tỷ lệ tử vong là 30-40%.

Cha mẹ cần để ý những dấu hiệu bất thường của trẻ

Để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh nên tránh cho trẻ đến nơi đông người, giữ vệ sinh cho trẻ và của chính bản thân mình, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. 

Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh với các triệu chứng điển hình, phụ huynh không nên tự ý điều trị mà tốt nhất nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

3. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quảng An (Tiền Phong)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN