Ve mò xuất hiện, cắn 'chỗ hiểm' người phụ nữ
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, sốt cao, nôn ói, không ăn uống được, nguy hiểm tính mạng.
Ngày 3-10, BV Xuyên Á TP.HCM cho hay nơi đây vừa xử trí kịp thời cho một trường hợp bị ve mò cắn nguy kịch. Bệnh nhân là bà NTT (78 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM). Bà T. nhập viện trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, sốt cao, nôn ói, không ăn uống được.
Các bác sĩ cho biết theo khai thác thông tin từ người nhà trước khi nhập viện, bà T. sốt 10 ngày liên tục, gia đình đã mua thuốc uống tại nhà, đưa bà đi điều trị tại cơ sở y tế địa phương nhưng không giảm nên chuyển đến BV Xuyên Á. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân có vết thương đóng mài đen đặc trưng ở bên phải khoảng 1,5 x 0,5 cm, có hạch ở hai bên bẹn.
Được biết trước khi bị sốt bà T. có đi thăm vườn. Do đó, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt mò cắn và đưa ra phương pháp điều trị đặc hiệu. Ngay lập tức bà T. hết sốt sau một ngày uống thuốc, sức khỏe dần ổn định.
Vết mò cắn trên người bệnh nhân T. và hình ảnh con mò. Ảnh: XA
Sốt mò là một căn bệnh khá hiếm gặp. Tuy nhiên trong vòng một tháng, BV Xuyên Á đã tiếp nhận và phát hiện hai trường hợp.
Theo các bác sĩ, đặc điểm chung của hai ca bệnh này là đều có đi rừng hoặc làm vườn, sau đó sốt kéo dài không khỏi. Bệnh nhân xuất hiện sốt sau đó 6-18 ngày. Đây là một bệnh dễ nhầm lẫn với sốt rét, sốt xuất huyết. Người bị sốt mò thường bị sốt kéo dài, sốt nhẹ ở 1-2 ngày đầu, sau đó sốt cao liên tục, có thể kéo dài 15-20 ngày. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm cơ tim, suy đa cơ quan... và có thể dẫn đến tử vong.
Để đề phòng bệnh sốt mò, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột. Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp phải mặc quần áo dài tay, có tất tay, tất chân che kín cơ thể. Không để quần áo hay nằm trên cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.