Tự khám vú để cứu đời mình

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ung thư vú ở phụ nữ là loại ung thư có tần suất cao đứng hàng thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Đây là nỗi ám ảnh cho nhiều chị em. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm kết quả điều trị cũng hết sức khả quan.

Những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú: nữ ở vào độ từ 30 trở lên, lớn tuổi chưa lập gia đình hay chưa sinh lần nào; người có tiền căn trong gia đình vừa bên cha vừa bên mẹ có người bị ung thư vú; bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, đái tháo đường sau mãn kinh; có đời sống kinh tế cao, sinh con đầu lòng sau 35 tuổi, có kinh sớm trước 12 tuổi; mãn kinh sau 55 tuổi; béo phì.

Tự khám vú

Ung thư vú là loại ung thư khi khởi phát và ngay cả khi đang ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, nó là một loại ung thư có thể phát hiện được rất sớm.

Nữ giới khỏe mạnh từ 35 tuổi trở lên dù không có bất kỳ triệu chứng gì cũng cần khám kiểm tra vú định kỳ, kể cả khám phụ khoa hàng năm. Tốt nhất là 3 - 6 tháng khám 1 lần, nhất là những nữ giới có yếu tố nguy cơ; cần siêu âm vú 3- 6 tháng một lần là việc làm cần thiết, vì là phương tiện chẩn đoán tốt, không xâm lấn, không đau, giá cả phù hợp túi tiền người Việt Nam.

Một giải pháp đơn giản và hiệu quả đó là tự khám vú, cần được thực hiện với mọi phụ nữ trên 20 tuổi, phụ nữ nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần. Khi tự khám đều đặn chị em sẽ biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường đâu là bất thường, với các bước như sau:

Tự khám vú để cứu đời mình - 1

Đứng trước gương để tự kiểm tra vú

Đứng trước gương, tìm những thay đổi ở vú: ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế: hai tay giơ lên khỏi đầu và cuối cùng hai tay chống vào hông. Trong mỗi tư thế quay qua, quay lại chậm và quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước, hình thể của hai vú, quan sát thay đổi mặt da vú (da cam, da bị lõm xuống ở một vùng nào đó), xem núm vú có bị kéo lệch hay tụt vào không và ấn nhẹ núm vú xem có máu hay chất dịch tiết ra ở đầu núm vú không?

Tìm các thay đổi ở tư thế nằm: nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, bàn tay phải đặt dưới đầu, dùng tay trái khám ngực phải (chụm các ngón tay lại dùng phần thẳng ngón tay day tròn tìm khối u hoặc mảng dày), bắt đầu sờ phần hõm nách tìm hạch và khối u sau đó sờ từ bờ ngoài của vú, sờ vòng quanh vú theo những đường vòng tròn nhỏ dần, cuối cùng là vùng sau núm vú nhằm tìm một cục u (khối u, khối bướu). Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại. Nếu thực hiện tốt các bước trên thì sẽ phát hiện được ung thư vú ở các giai đoạn rất sớm hoặc với các khối u với kích thước dưới 1cm và không có di căn hạch.

Khi cần thiết có thể làm thêm tế bào học bệnh lý tuyến vú, là phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, với tên khoa học Fine Needle Aspiration, viết tắt là FNA, phương pháp này có các ưu điểm là đơn giản, tương đối chính xác, thực hiện nhanh, ít tốn kém, an toàn, kết quả sẽ có ngay trong lần khám bệnh đầu tiên. Chỉ chụp X-quang tuyến vú còn gọi là nhũ ảnh, khi có chỉ định của bác sĩ.

Phòng bệnh

Hiện tại chưa có phương pháp hay thuốc nào để điều trị ung thư nói chung hay ung thư vú nói riêng một cách hiệu quả như mong đợi, cho nên việc phát hiện sớm hay phòng bệnh là cần thiết. Muốn vậy, mỗi chị em chúng ta cần xây dựng cho mình một chương trình kế hoạch tự khám và đi kiểm tra thường xuyên vú và phụ khoa định kỳ, tránh căng thẳng trong công việc, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn ít chất béo động vật, hạn chế ăn những thực phẩm lên men có nhiều nitrit, nitrat, nitrozamin; bổ sung khẩu phần ăn nhiều rau quả và trái cây chứa nhiều caroten. Không ăn những thực phẩm mốc (gạo, đậu, lạc…), thực phẩm có phun thuốc trừ sâu. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để chống béo phì. Hạn chế dùng thuốc nội tiết tố nữ thay thế kéo dài ở thời kỳ mãn kinh. Siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh định kỳ, có thể làm thêm các xét nghiệm bổ sung theo khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN