Tiến sĩ Toán học nhận mình có khả năng "thần giao cách cảm”
Tự nhận mình có khả năng tiên đoán, nói chuyện cách xa cả nghìn km nhưng khi đến bệnh viện các bác sĩ khẳng định tiến sĩ này bị bệnh chứ không hề có khả năng đặc biệt nào.
Ngồi ở Hà Nội biết được bạn ở Liên Xô đang làm gì
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn K., TS dạy toán của một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội từng khiến nhiều người nghi ngờ. TS K luôn tin rằng mình có khả năng nói chuyện bằng mắt, nghe được người ở xa hàng nghìn km nói gì và nhìn mắt đoán họ đang nói như thế nào với mình.
Trong hơn 30 năm làm bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng vẫn nhớ về trường hợp này. Hoang tưởng khiến vị tiến sĩ toán học nghỉ hẳn việc dạy ở trường để phát triển tài năng trời phú có một không hai của mình.
Căn bệnh phát ra vào một lần ông K. đi công tác ở Đồng Nai về, bỗng nhiên cho rằng mình có khả năng nói chuyện với người ở xa mình cả nghìn km. Ông không cần gọi điện thoại, nhưng kể với vợ con về cuộc sống đang diễn ra của những người bà con xa.
Lúc này gia đình cũng lo ngại không biết ông có tài năng thiên bẩm, trời phú thật không hay vì công việc, áp lực mà ông trở nên như thế. Điều đặc biệt nhất là trước đó ông K. không bao giờ tin vào chuyện tâm linh thần thánh nhưng lại nói chuyện như có “ma làm”.
Cả gia đình ông K. đã đến nhiều thầy, nhiều điện để xem xét xem ông K. bị bệnh hay thực sự có tài năng. Vợ ông kể “Mỗi thầy một cách khác nhau, có thầy bảo ông ấy bị “áp vong” rồi có người bảo ông có giác quan thứ sáu".
Bệnh nhân điều trị tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Kể về những chuyện li kỳ về chồng mình vợ ông chỉ cười “Đã đến lúc tôi không thể tin rằng ông ấy có giác quan thứ sáu được nữa. Có khi đang ăn ông K. nhìn vào mắt tôi dọa dẫm rằng “bà đừng nhìn tôi như thế, bà nghĩ gì tôi biết hết”. Đi giảng bài, chỉ cần nhìn qua mắt sinh viên, ông K. cho rằng các em đang chửi thầy. Khi sinh viên thanh minh thì ông phủ nhận”.
Nhiều lúc, ông ảo giác nói chuyện một mình. Ông bảo rằng ông đang nói chuyện với bạn ở bên Liên Xô. Trong câu chuyện ấy có cả nội dung hỏi đáp và dẫn dắt câu chuyện như hai người đang nói chuyện thực mà không phải là ông tự bịa ra nói luyên thuyên. Điều đó khiến vợ con vừa nửa tin, nửa ngờ.
Điều lạ, khi con gái ông K. đi ra ngoài, ông dặn con “Hôm nay con đi cẩn thận nhé, tai nạn thì chỉ giữ mạng thôi, đừng vì tiếc xe mà quên mạng mình”. Nghe bố nói thế, cô con gái 24 tuổi của ông K. chỉ cười cho rằng “nhảm nhí”. Nhưng khi cô gái đi ra ngoài đường được vài km thì một gã thanh niên đâm trực diện vào cô khiến người và xe bắn đi chỗ khác.
Sau ngày hôm đó, con ông K. cảm thấy bất an và sợ chính bố của mình. Gia đình bàn nhau đưa ông K. đến bệnh viện kiểm tra thần kinh. Vì sợ mang tiếng ngại gặp nhiều người ở Hà Nội nên họ đưa ông K. xuống Bệnh viện tâm thần trung ương 1.
Uống thuốc hết luôn giác quan thứ 6
Tiến sĩ Hùng cho biết vừa nhìn thấy ông K và nói một hai câu với ông, bác sĩ đã nhận ra ông K. bị bệnh chứ chẳng phải “thần giao cách cảm” hay “vong áp” gì cả. Sau khi bác sĩ thử các test tâm lý cũng như dùng thử thuốc trị trầm cảm, thấy ông K. không còn biểu hiện của “thần giao cách cảm”.
Con gái ông K. cũng thừa nhận sau khi nghe bố dặn như thế nên cô gái ra đường trong một trang thái luôn ám ảnh tai nạn được bố báo trước, chính vì thế mới dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Ba tháng điều trị, ông K. hoàn toàn bình phục, ông không còn cảm giác nói chuyện được bằng mắt, nói chuyện với người ở xa hàng nghìn km được nữa. Đến nay, sau 5 năm trị bệnh, ông K. thường quay lại trò chuyện với các bác sĩ để tâm lý được thoải mái. Điều trị bệnh xong ông về trường giảng dạy bình thường và cái tiếng thầy K. có biệt tài “thần giao cách cảm” cũng không còn.
TS Hùng cho biết nếu gia đình ông K. không nghĩ đó là bệnh mà cứ tin vào chuyện “áp vong” rồi thần thánh trừng phạt thì không biết bệnh tình của ông sẽ tiến triển như thế nào.