Thực hư những sinh mệnh chờ “nguồn sống”

Thông tin kho dự trữ máu tại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang cạn kiệt khiến dư luận xôn xao. Nếu điều này đúng, hàng nghìn bệnh nhân có thể sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Thực hư những sinh mệnh chờ “nguồn sống” - 1

Vất vả duy trì sự sống

Xác nhận với PV báo ĐS&PL, đại diện viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, đúng là số lượng máu có giảm nhưng vẫn đảm bảo cho các bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu. Thông tin với chúng tôi, đại diện Viện này cho hay, tính đến ngày 24/2/2016, tổng lượng máu trong kho còn khoảng 600 đơn vị. Bình thường, lượng máu dự trữ có thể đến 1.000 đơn vị. Từ trong Tết, Viện đã có các phương án vận động hiến máu để đảm bảo tốt cho bệnh nhân tất cả các bệnh viện. Ngay tuần ra Tết, Viện đã cung cấp đi hơn 1.000 đơn vị máu. Tình trạng thiếu máu mới chỉ xuất hiện đầu tuần này.

Cũng theo phía bệnh viện, có sự mất cân đối trong các nhóm máu, nhóm máu A đang thiếu hụt và nhóm máu O đang phải hỗ trợ sự thiếu hụt này. Nguyên nhân của việc thiếu hụt máu chủ yếu do trước và sau Tết, lượng người hiến máu giảm, trong khi nhu cầu bệnh nhân không hề giảm, thậm chí còn tăng cao hơn. Bệnh nhân nhập viện từ ngày đầu tiên sau Tết nhưng không phải ai cũng đi hiến máu ngày đầu tiên sau Tết.

Quả thật, khi đến các khoa cấp cứu của bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai dịp Tết vừa qua, nhìn cảnh khá đông bệnh nhân bị tai nạn giao thông phải phẫu thuật, chúng tôi mới thấy, nguồn máu ngày Tết cần như thế nào. Ngoài những ca cấp cứu, máu còn là “nguồn sống” của rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh về máu.

Chia sẻ với PV, chị Phan Thị Vân, người dân tộc Tày (xã Trùng Phúc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cho biết, trung bình mỗi tháng, chị phải truyền từ 1-1,5 lít máu để có thể sống một cách bình thường. Nhìn cơ thể dù đã 26 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 1,2m và nặng có 34kg, tôi hiểu chị Vân đã phải vất vả ra sao để duy trì sự sống. Khuôn mặt xám ngoét do sắt bị ứ đọng, chị là một trong số hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh trên khắp đất nước Việt Nam cần máu để duy trì sự sống.

Theo tìm hiểu của PV, ngay ngày đi làm đầu năm, viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức hiến máu trong toàn Viện. Từ ngày 22/2, Viện đã tổ chức việc tiếp nhận máu lưu động, tuy nhiên số lượng chưa đông. Ngày 24/2, tại Hà Nam, việc vận động hiến máu đã diễn ra. Khoảng 500 đơn vị máu sẽ về kho vào tối 24/2, nguồn máu thiếu hụt sẽ được bổ sung kịp thời. Dự kiến, bắt đầu từ tuần sau, khi lực lượng sinh viên quay trở lại trường học, việc thiếu máu sẽ chấm dứt.

Tâm sự của người hiểu “nguồn sống” từ máu

24 năm sống chung với căn bệnh tan máu bẩm sinh, hơn ai hết, chị Bùi Thị Hà (32 tuổi, tỉnh Hoà Bình) thấu hiểu rõ nhất “nguồn sống” từ máu.

Theo chị Hà, đến nay chị đã nhận hơn 1.000 đơn vị máu từ cộng đồng. Nỗi ám ảnh mỗi dịp nguồn máu khan hiếm khiến chị đau đớn. “Mỗi dịp Tết hay dịp hè, khi điều trị mà nghe tin chưa có máu để truyền, bản thân tôi và hàng nghìn người bệnh khác vô cùng mệt mỏi. Cơ thể chúng tôi giống như người đói mà không có thức ăn để ăn, khát nước mà không có nước để uống”, chị Hà tâm sự. Chính vì thế, chị mong mọi người sẽ tích cực tham gia hiến máu để chị và những bệnh nhân cần máu có thêm cơ hội sống.

Chia sẻ với PV, chị Lê Thanh Hà – một trong 100 gương mặt tiêu biểu người hiến máu tình nguyện được tôn vinh năm 2014, mong mỏi nhiều người sẽ tích cực hiến máu để tình trạng thiếu máu không đến hẹn lại lên mỗi dịp Tết và sau Tết. Một điều đặc biệt là năm nào vào ngày sinh nhật của mình (ngày 18/1), chị đều đi hiến máu tình nguyện. Chị nói: “Mình được sinh ra, được mạnh khỏe là điều may mắn hơn rất nhiều so với hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân đang mắc các bệnh nguy hiểm cần đến việc truyền máu để duy trì sự sống”.

Theo chị Hà, “để nhớ đến ngày mình được xuất hiện trên cõi đời này, mình muốn được chia sẻ nguồn sống với những ai kém may mắn hơn. Một bệnh nhân nào đó sẽ nhận được nguồn máu của mình, món quà nhỏ nhưng thật vô giá với người bệnh trong hoàn cảnh này. Khi về nhà, lại được nhận quà từ chồng, con, niềm hạnh phúc của tôi thực sự được nhân đôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Thơm (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN