Tâm thần vì... cha mẹ quá kỳ vọng

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Theo BS CKII Nguyễn Văn Dũng – Viện Sức khỏe và Tâm thần Bạch Mai, bệnh tâm thần có tới 300 thể khác nhau và nhiều thể có những dấu hiệu đan xen giống nhau.

Rối loạn cảm xúc là một trong những thể có số người mắc nhiều nhất hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bệnh vì học ngày học đêm

Nhìn bệnh nhân nam 17 tuổi đẹp trai đang vui vẻ giảng toán cho các bệnh nhân khác tại ghế đá khuôn viên BV Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội), những người bình thường đều có chút xót xa, tiếc nuối. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân này quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), từng được coi là thần đồng tại vùng đất vốn nổi tiếng hiếu học này. Cách đây mấy năm, đang học dở lớp 11 thì bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do hưng cảm. Bệnh nhân thường xuyên hoang tưởng có người theo dõi, điều khiển hành vi của mình phải làm việc này việc kia. Bệnh nhân tự huyễn hoặc về mình có nhiều khả năng đặc biệt. Gia đình đã đưa cậu bé đi chữa nhiều nơi bằng nhiều biện pháp nhưng không khỏi, điểm dừng chân bây giờ của cậu là BV Tâm thần Trung ương I.

Tâm thần vì... cha mẹ quá kỳ vọng - 1

Bệnh nhân nữ được điều trị bằng liệu pháp âm nhạc tại BV Tâm thần Trung ương I. Ảnh: H.Nam

Ngược lại với hưng cảm, bệnh nhân trầm cảm thường có cảm giác sợ hãi, trì trệ, ủ rũ. Đã nhiều năm qua rồi, nhiều bệnh nhân vào viện rồi xuất viện nhưng BS Nguyễn Văn Dũng vẫn nhớ trường hợp một bệnh nhân 17 tuổi ở Hải Phòng. Gia đình bệnh nhân này có bố mẹ đều làm trong ngành hàng hải, lại là con trai một nên rất được kỳ vọng. Sự kỳ vọng quá lớn của gia đình khiến cậu bé phải nỗ lực học tập để khỏi phụ lòng bố mẹ. Ngày nào bố mẹ cũng nhắc nhở chuyện học hành. Cậu bé học ngày học đêm và ít ăn nên cơ thể suy nhược, cộng thêm áp lực từ bố mẹ nên cậu sợ hãi, không dám giao tiếp với ai. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiếp xúc, khi đến trường hay ra đường, cậu đội một cái chum lên đầu. Chỉ đến khi cậu bị kiệt sức, gia đình mới vội đưa đến bệnh viện điều trị.

BS Cao Thị Vịnh – Trưởng khoa Can thiệp phục hồi chức năng (BV Tâm thần Trung ương I) cho biết, cách đây mấy tháng, một bệnh nhân nữ 16 tuổi rất xinh đẹp và học rất giỏi quê ở Nghệ An cũng đã tới bệnh viện để điều trị rối loạn cảm xúc do trầm cảm. Vốn là một cô bé hiền lành, ngoan ngoãn và là học sinh xuất sắc của một trường chuyên nhưng sau đó cô bé bị mất tập trung chú ý nên không thể theo học được nữa.

Nguyên nhân do mong muốn trở thành người nổi tiếng, thích thuyết trình để sau này có thể trở thành MC, cô bé quá chăm học, đọc nhiều sách cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, cô bé là một người chị mẫu mực nhưng người em lại không ngoan và thường xuyên bị nhà trường, khu phố gọi lên giáo dục. Điều đó khiến cô bé buồn, thất vọng dẫn tới trầm cảm và mất khả năng tâm trung chú ý.

Bỗng dưng sợ tắm

Theo BS Cao Thị Vịnh, rối loạn cảm xúc thường biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Nếu được phát hiện sớm, chỉ cần tự mình điều chỉnh, hoặc nghe tư vấn của bác sĩ và những người có kinh nghiệm thì bệnh nhân có thể tự chữa bệnh cho mình. Còn những bệnh nhân không thừa nhận bệnh hay không được phát hiện kịp thời thì khi vào viện thường bệnh đã nặng. Thời gian điều trị phải kéo dài, thậm chí hồi phục rất khó khăn. BS Vịnh cho rằng, mọi người cần phải quan tâm hơn đến những cảm xúc của bản thân cũng như của người xung quanh để phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị. Dấu hiệu của bệnh nhân tâm thần do rối loạn cảm xúc cũng không quá khó để nhận biết.

Đối với trầm cảm lo âu thể nhẹ, ban đầu thường hay lo lắng quá một việc nào đó dẫn đến chán ăn và mất ngủ hàng tuần, những hành vi cũng biến đổi theo. Ví dụ, một người bỗng dưng thay đổi về mức độ hoàn thành công việc hay kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Trước đây, họ luôn hoàn thành tốt công việc thì nay trở nên trì trệ. Trước đây, họ chỉn chu trong vệ sinh cá nhân hằng ngày nhưng bỗng dưng lại phải giục mãi mới chịu tắm.

Rối loạn cảm xúc do hưng cảm thường có biểu hiện ban đầu là kích động quá mức, chống đối và gây rối gia đình, hàng xóm. Một người bình thường bỗng trở nên linh hoạt, thích làm mọi thứ nhưng lại hay bỏ dở  và nhanh chán, thấy ai làm cũng chen vào…

Hiện nay, với tiến bộ của khoa học nên thuốc điều trị bệnh tâm thần ít tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể tới bệnh viện lấy thuốc về uống chứ không phải nằm viện. Những bệnh nhân nội trú sau khi được bác sĩ kiểm tra thấy ổn định sẽ được điều trị tiếp bằng các liệu pháp khác như âm nhạc, vẽ, học các nghề thủ công, làm vườn… để kiểm tra khả năng trở lại là người bình thường. Đây là một trong những liệu pháp điều trị cuối cùng để một bệnh nhân tâm thần có thể ra viện và hòa nhập vào cuộc sống bình thường.

Theo BS La Đức Cương – Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, trong mỗi người đều tiềm ẩn những biểu hiện của bệnh tâm thần, tồn tại những trạng thái rối loạn cảm xúc trong một thời gian ngắn. Nếu bệnh chỉ biểu hiện trong một lúc hoặc 1 – 2 ngày là bình thường, tự người đó tự điều chỉnh được, còn kéo dài thường xuyên trên 2 tuần thì nên đến bác sỹ tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm. Với bệnh nhân nặng, thời gian điều trị thường kéo dài trong 3 tháng. Những trường hợp rối loạn tâm thần cấp, các sang chấn tâm lý thì chỉ cần điều trị 1 – 2 tuần là có thể ra viện.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Phương (Gia đình & Xã hội)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN