Rước bệnh với bánh, kẹo "ba không

Bánh, mứt kẹo không nguồn gốc, không nhãn mác, không đăng ký chất lượng vẫn được bày bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, TP HCM.

Với lợi thế giá rẻ, chủng loại phong phú, hình thức bắt mắt, các loại bánh kẹo “ba không” vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn dẫu phẩm màu và hóa chất có trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hàng Trung Quốc,  bao bì… tiếng Việt!

Dịp cận Tết này, PV đã khảo sát thực tế tại các chợ Cầu Diễn, Thành Công, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Đồng Xa, chợ Hôm, Đồng Xuân… Điểm nổi bật là hầu hết các cửa hàng bán tạp hóa đều bày bán các loại bánh kẹo, mứt Tết theo cân đựng trong hộp lớn hoặc túi nilon, rổ nhựa không rõ nguồn gốc. Quan sát cho thấy, có nhiều loại hàng Trung Quốc không xuất xứ như kẹo cà phê A A Twist Candy. Thậm chí, để qua mắt người tiêu dùng, nhiều loại kẹo núp dưới bóng hàng Việt Nam với xuất xứ không rõ ràng như:  Kẹo Fruits Candy, kẹo Thịnh Phát nhưng trên bao bỳ phần lớn là… chữ Trung Quốc?!

Chủ yếu là hàng nhập lậu

Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, các loại bánh, kẹo “ba không” chủ yếu là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc hoặc sản xuất gia công tại Việt Nam nên không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng. Các nguyên liệu sản xuất thường không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Trong vai khách hàng đã mua số lượng lớn các mặt hàng thuộc diện cao cấp, chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Bình, chủ cửa hàng bánh kẹo chợ Đồng Xa. Chị Bình thổ lộ: “Bánh kẹo, mứt cân phần lớn là hàng Trung Quốc. Bây giờ họ làm cải tiến hơn, có cả tiếng Việt Nam nên nhiều người vẫn nghĩ là hàng Việt nhưng không phải. Nhiều người vẫn biết chất lượng không được như sản phẩm của các công ty bánh kẹo uy tín trong nước nhưng họ vẫn mua ầm ầm. Bây giờ đâu có dễ lừa được người mua”.

Tại cửa hàng tạp hóa của chị Trần Minh Anh tại chợ Nghĩa Tân khi chúng tôi hỏi mua hạt dưa, chị phát giá  100.000 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc giá quá đắt, chị Anh thản nhiên: “Sao em không nói là mua hàng rẻ để chị lấy luôn cho. Chợ Tết đông, mở túi ra chào hàng lại bỏ, buộc vào mất thời gian”. Chị với tay đưa cho chúng tôi túi hạt dưa có màu đỏ đậm bảo rằng: “Loại này 70.000 đồng/kg”. “Chênh nhau nhiều thế ạ?” - tôi vặn vẹo. Lập tức chị ta nổi đóa: “Thế em muốn thế nào? Gì cũng nói được, một đằng cao cấp, một đằng bình dân so sao được”.
 
Kẹo trôi nổi mang mác “chất lượng cao”

Ở cửa hàng chị Minh Anh, các loại kẹo cũng vô cùng phong phú, đủ loại, màu sắc sặc sỡ. Rất nhiều loại kẹo không có địa chỉ, tên cơ sở sản xuất, thậm chí có loại kẹo bọc bằng giấy trong xanh, đỏ, vàng, trắng thì tuyệt nhiên không có bất cứ dòng chữ nào, tên kẹo cũng không có. “Kẹo Tàu à chị, em thấy không có tên nhà sản xuất?”. “Kẹo Việt Nam, hàng đảm bảo chất lượng hẳn hoi. Bọn chị buôn bán chuyên nghiệp, quanh năm ngồi đây, ai bán kẹo không ngon bao giờ. Cứ có đường là ngọt miệng rồi nhưng đảm bảo vệ sinh hay không thì chị làm sao biết được?”, chị Minh Anh nói. Chị ta phân bua: “Đây là kẹo cân, đựng trong túi nilon lớn, bên ngoài túi có ghi xuất xứ, nhưng do nhiều quá nên phải đựng ra rổ nhựa để trưng bày”...

Ngoài ra, một số mặt hàng khô như măng, lạp xưởng, bò khô… cũng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ở các quầy lạp xưởng không hề được đóng hộp mà chỉ được treo và đựng trong bọc không được che đậy, ruồi bay loạn xạ.

Chúng tôi hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Na (phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) đang mua bánh kẹo ở chợ Nghĩa Tân. Bà Na than thở: "Ai chẳng muốn ăn ngon, ăn lành nhưng điều kiện không cho phép đánh nhắm mắt làm liều. Nay kinh tế khó khăn, thu nhập của gia đình tôi giảm sút, cả con dâu và con trai làm công nhân đều thất nghiệp. Hai cháu nhỏ trông cậy cả vào suất lương hưu của ông nội. Con trai thì chạy xe ôm, hôm được hôm không. Mua loại bánh kẹo này rẻ còn dành tiền mua cái khác. Hại thì mua ít, ăn ít vậy”.

Rước bệnh với bánh, kẹo "ba không - 1

Bánh kẹo “ba không” bày bán tràn lan ở các chợ truyền thống. Ảnh: M.H

Tại TP Hồ Chí Minh, các chợ Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ An Bình (quận 5)... cũng bày bán ngổn ngang các loại bánh kẹo, mứt tết “ba không” với giá cực rẻ.

Tại các chợ này, các loại kẹo dẻo có giá chỉ 35.000- 40.000 đồng/kg, rau câu có giá 25.000 đồng/kg... Các loại mứt dừa, mứt bí, mứt dâu... giá giao động từ 45.000- 70.000 đồng/kg. Thậm chí, các sản phẩm nói trên còn được bán rong ở nhiều tuyến phố với những lời rao khá hấp dẫn: “Các loại mứt dừa, mứt bí, mứt gừng sản xuất gia truyền ở Bến Tre giá cực rẻ nhưng chất lượng thì cực ngon nào!”. Điều đáng buồn là vẫn có khá nhiều người lựa chọn loại mứt này do có lợi thế vượt trội là giá rẻ 35.000- 45.000 đồng/kg trong khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn cùng loại có giá giao động từ 90.000- 120.000 đồng/kg.

Dễ gây rối loạn tiêu hóa, ung thư

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: Khi chọn mua bánh, kẹo, mứt Tết nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng. Các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hóa, thần kinh… Không nên ham rẻ hay chuộng "mác" ngoại mà mua bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hạnh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN