Nói nhảm, mất ý thức, phát điên vì nắng nóng

“Bình thường bà X. vẫn đi làm đồng nhưng cứ trời nóng bà lại cởi trần, cởi truồng, nói nhảm chạy lông nhông ngoài đường”, hàng xóm của bà X (Nghi Lộc, Nghệ An) kể.

Hiền lành cũng phát điên vì nắng nóng

Miền Bắc và miền Trung đang hứng chịu nắng nóng kỷ lục trong lịch sử khiến bà Lê Thị X. (NK, Nghi Lộc, Nghệ An) vốn tính tình hiền lành cũng phát điên. Bình thường bà X. vẫn đi làm đồng nhưng trời nóng lại cởi trần, cởi truồng, nói nhảm, chửi bới khiến ai cũng lấy làm lạ.

“Đang yên, đang lành bà X. bỗng lăn ra khóc rồi chạy lông nhông ngoài đường. Trước đây, bà X. cũng đã phải nhập viện điều trị tâm thần nhiều lần. Các mùa khác thì không vấn đề gì nhưng mùa nắng năm nào bà X. cũng phát bệnh", hàng xóm của bà X kể.

Tương tự như bà X, ông Trần Văn V. (Nghi Lộc, Nghệ An) cứ nắng nóng lại "lên cơn". Ông V. đánh vợ gãy răng, gãy chân. Sau đó, gia đình phải đưa ông V. vào viện điều trị tâm thần.

Nói nhảm, mất ý thức, phát điên vì nắng nóng - 1

Bệnh nhân tâm thần nhập viện do nắng nóng. (Ảnh: Diệu Thu)

Nói về những trường hợp bị mất ý thức, rối loạn tâm thần do thời tiết nắng nóng, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về mối liên hệ giữa thời tiết và bệnh tâm thần. Tuy nhiên, những ngày nhiệt độ lên đến 39-41 độ C như vừa qua, người bình thường cũng thấy khó chịu, cáu gắt. Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử bệnh trầm cảm hoặc tâm thần (người đã có sang chấn về mặt tâm lý, có những tổn thương về thần kinh) “bốc hỏa”, phát điên cũng là chuyện bình thường.

“Khí hậu quá nóng, thần kinh của bệnh nhân sẽ bị kích thích mạnh, họ dễ phát bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách...”, bác sĩ Cương nói.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, những ngày gần đây lượng bệnh nhân rối loạn ý thức do nắng nóng nhập viện tăng từ 5-7%. Mặc dù tỷ lệ này so với trước kia đã giảm nhưng vẫn đáng cảnh báo.

Ông Cương lo ngại, trong thời gian tới, miền Bắc và miền Trung sẽ có nhiều đợt nắng nóng, số lượng bệnh nhân tái phát và mới nhập viện tăng cao, các bác sĩ chắc chắn sẽ rất vất vả để điều trị.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết, trong đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra tại miền Bắc và miền Trung, số người nhập khoa tăng đáng kể, trên 10%.

Tại Bệnh viện 354, bác sĩ Dương Đình Phúc, Trưởng khoa Tâm Thần kinh cũng cho biết, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng số lượng người rối loạn tâm thần nhập viện do thời tiết nắng nóng tăng đáng kể. Hầu như ngày nào, bệnh viện cũng có bệnh nhân mới nhập viện, phần lớn là những người đã có tiền sử bệnh, bị tái phát vì thời tiết và điều kiện chăm sóc.

Người sức yếu dễ phát bệnh

Theo các chuyên gia, rối loạn tâm thần do nắng nóng dễ gặp nhất ở những người quá nhạy cảm, người có chấn thương hoặc các bệnh ở não, hoặc có các bệnh cơ thể khác khiến sức chịu đựng yếu, người đang có stress, sang chấn tâm lý hay phụ nữ sau sinh.

Ngoài ra, đối với những người từng bị tâm thần, thời tiết quá nóng cũng dễ khiến bệnh tái phát. Các biểu hiện thường gặp là rối loạn hành vi, tác phong và chức năng sống, như ăn ngủ thất thường, đau đầu, giảm nhận thức, thay đổi tâm tính, trở nên cáu kỉnh, đập phá hoặc trầm cảm, chán nản...

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bình thường phát bệnh tâm thần cũng tăng cao hơn vào những ngày nắng nóng. Nguyên nhân có thể do việc sử dụng rượu bia quá nhiều dẫn đến loạn thần do bia rượu.

Các biểu hiện thường gặp của những người bị tâm thần do nắng nóng là rối loạn hành vi. Người ăn ngủ thất thường, đau đầu, giảm nhận thức, thay đổi tâm tính, trở nên cáu kỉnh, đập phá hoặc trầm cảm, chán nản...

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ông La Đức Cương khuyến cáo, khi thấy một thành viên có những biểu hiện rối loạn tâm thần, gia đình nên đưa ngay đến bệnh viện. Nếu được điều trị, bệnh nhân thể hồi phục sau 7-10 ngày, có khi nửa tháng. Nếu không trị liệu, bệnh có thể trở nên nặng hơn.

Để phòng tránh bệnh rối loạn tâm thần do nắng nóng, các chuyên gia cũng khuyến cáo hạn chế ra ngoài trời khi quá nóng, ở trong nhà nên có các giải pháp giảm nhiệt như quạt, điều hòa... Những người có nguy cơ mắc bệnh nên giảm áp lực công việc, giảm áp lực gia đình, tạo môi trường vui vẻ, thoải mái. Đặc biệt, mọi người nên ăn đồ mát, đủ dinh dưỡng để giữ sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng. Tránh uống bia rượu, chất kích thích…. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN