Những bệnh nhân khắc khoải chờ máu
18h chiều thứ Sáu (3/1) ở Trung tâm Thalassemia của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hàng chục bệnh nhân thiếu máu khắc khoải chờ đợi đến lượt mình.
Có máu đến, cô y tá vội hỏi bác sỹ Hà: “Cô ơi, có một đơn vị, truyền cho Mận hay Ngọc Anh ạ?”.
Là bác sỹ trực tối hôm đó, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia cho biết, do đặc thù mạn tính nên người mắc Thalassemia (thiếu máu bẩm sinh) không nằm trong ưu tiên số một về truyền máu.
Lượng máu điều trị dịp cận Tết, vốn đã khan hiếm, về trung tâm lại càng ít hơn. Hàng chục bệnh nhân, lúc cao điểm hơn trăm người, những ngày này, khắc khoải chờ máu. “Bệnh nhân mắc Thalassemia, huyết sắc tố cần thiết là 100g/l, nhưng nhiều bệnh nhân hiện xuống còn 40-50 g/l vẫn chưa có máu truyền. Nhiều bệnh nhân có huyết sắc tố đạt 80g/l phải xuất viện vì không biết chờ đến bao giờ”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà lo ngại.
Nguyễn Thị Thùy Linh, 8 tuổi, Khoa Bệnh máu Trẻ em, là một trong những bệnh nhân đang thiếu máu điều trị. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Anh Đỗ Đăng Đông ở Tây Hồ (Hà Nội) nhập viện điều trị một tuần nay. Căn bệnh di truyền với đặc tính hồng cầu dễ vỡ khiến anh tháng nào cũng phải vào viện truyền máu.
Bệnh nhân Đỗ Đăng Đông ở Tây Hồ (Hà Nội) nhập viện điều trị một tuần nay, nhưng chưa có máu truyền .
“Lượng máu về trung tâm giờ chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu điều trị. Chúng tôi phải dựa trên xét nghiệm huyết sắc tố để quyết định truyền máu cho ai trước”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia nói.
Mỗi lần điều trị từ 15-20 ngày. Một tuần nay chưa có máu truyền, sắc mặt tái nhợt, thân hình gầy yếu, anh kể: “Người lúc nào cũng mệt lả, không được vận động, cũng không dám đi đâu xa”. Theo bác sỹ Hà, trường hợp của anh Đông không biết bao giờ mới có máu truyền do đặc thù nhóm máu. Lúc mới nhập viện, xét nghiệm thấy huyết sắc tố trong máu anh Đông là 64g/l, giờ chỉ còn 57g/l, trong khi huyết sắc tố của người bình thường là 120 g/l.
Hôm phóng viên có mặt ở Viện (3/1), Trung tâm Thalassemia lập một danh sách dài số lượng đơn vị máu cần cho điều trị trong ngày nhưng cả ngày, hai nhóm A và O không nhận được đơn vị nào. “Lượng máu về Trung tâm giờ chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu điều trị. Chúng tôi phải dựa trên xét nghiệm huyết sắc tố để quyết định truyền máu cho ai trước”, bác sỹ Hà chia sẻ.
Nằm trong lòng mẹ, Lê Tuấn Minh (Hoa Lư, Ninh Bình), khoa Bệnh máu Trẻ em lả đi vì mệt. Một tuổi rưỡi mọc cùng lúc ba răng hàm, sốt cao, đi khám, bác sỹ chẩn đoán Minh mắc bạch cầu cấp. Hai năm từ khi phát hiện bệnh, bụng và nách Minh ngày càng phình to trong khi chân tay nhỏ lại. Ba tuổi rưỡi, em nặng chưa đến 13 kg.
Nhập viện gần hai tháng, Minh thường xuyên phải truyền tiểu cầu để duy trì sức khỏe. Hơn một tuần nay, máu khan hiếm, có lúc Minh lịm đi vì thiếu máu, bố em phải xin nghỉ công tác, tức tốc về Viện lấy máu truyền cho con. Thiếu máu, Minh nằm im trên giường, không chạy nhảy được như nhiều bạn cùng phòng.
Nguyễn Thị Thùy Linh (Gia Viễn, Ninh Bình) cũng trong tình trạng thiếu máu truyền. Bị hồng cầu cấp từ năm sáu tuổi, năm nay tám tuổi, em nặng 16,5 kg, da xanh, bụng to, chân tay teo lại. Linh theo học lớp một ở trường làng, nhưng căn bệnh khiến em phải nghỉ học một năm. Năm 2013, em theo học lại lớp một, nhưng lại nghỉ để tiếp tục điều trị. Bà nội Linh cho biết, gia đình đang mong cháu chóng khỏi để có thể hoàn thành chương trình lớp một.
Linh lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được hai tuần nay, thường xuyên phải truyền máu, trên tay em lúc nào cũng ghim chặt kim tiêm, cả khi ngủ. Do cận Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu máu diễn ra trầm trọng, lượng máu cung cấp không đủ, nên Linh thường hay mệt mỏi.
Tết này, cần hàng vạn đơn vị máu
Năm 2013, theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Tình nguyện, toàn quốc vận động và tiếp nhận được 969.369 đơn vị máu, tương đương 1,08% dân số hiến máu, tăng 6,3% so với năm 2012.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, tương đương 2% dân số. Lượng máu tiếp nhận được trong năm 2013 mới đáp ứng 53,9% nhu cầu cấp cứu và điều trị. Tình trạng thiếu máu trong điều trị vẫn diễn ra, đặc biệt nghiêm trọng vào dịp hè và Tết Nguyên đán, khi lực lượng hiến máu tình nguyện (cung cấp 90% lượng máu tiếp nhận), vốn chủ yếu là sinh viên, về quê nghỉ Tết hoặc bước vào kỳ thi.
Theo ước tính của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dịp Tết Nguyên đán 2014, lượng máu điều trị cần tối thiểu 45.000 đơn vị. Trong khi đó, với số lượng người hiến máu tình nguyện theo kế hoạch tới thời điểm này, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Tình trạng khan hiếm máu trong dịp Tết sẽ gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và dự phòng ở hầu hết các bệnh viện.