Người lớn ơi, thương con như thế bằng mười hại con!

“Mỗi lần con bệnh, mẹ đều nhanh chóng mua thuốc cho con uống. Nhiều lúc con mệt mỏi khóc thét lên để mẹ đừng bắt uống nữa thì mẹ quát ngay, phải vậy mới mong chóng hết bệnh”.

Đâu phải cứ dùng kháng sinh là trẻ hết bệnh!

Những bậc phụ huynh đang có con nhỏ chắc chắn sẽ thấy phần nào “chuyện nhà mình” qua chia sẻ của cô bé ở trên. Sốt ruột, lo lắng, muốn con mau khỏi bệnh để lại cười đùa, đi học và vui chơi… là tâm lý chung của mọi cha mẹ. Và cũng chính từ tâm lý này, không ít người đã tự “bắt bệnh” để mua thuốc cho con, tai hại hơn là thuốc kháng sinh với suy nghĩ “uống kháng sinh thì con vi khuẩn gây bệnh mới mau chết”. Thế nhưng, chính thói quen tai hại của cha mẹ đã dẫn đến những thực trạng đáng buồn.

Nhiều trẻ dùng sai thuốc, phải uống kháng sinh ngay cả khi gặp bệnh không cần thiết, gây nên các tác dụng phụ như mệt lả, nôn ói, kéo dài thời gian điều trị, tốn kém chi phí… Chưa hết, một số cha mẹ cứ nghĩ trẻ “làm trò” nên lại càng ép uống. Hậu quả là bệnh mãi không dứt điểm mà còn vô tình đẩy trẻ đứng trước nguy cơ kháng kháng sinh (KKS), vốn vẫn được truyền thông báo động như vấn nạn sức khỏe toàn cầu.

Người lớn ơi, thương con như thế bằng mười hại con! - 1

Học cách nói không đúng lúc với kháng sinh là điều không phải cha mẹ nào cũng làm được

Theo Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Khi nhiễm bệnh do vi khuẩn, vũ khí được dùng để tiêu diệt chúng chính là thuốc kháng sinh. Nhưng mỗi loại thuốc có cơ chế tác động tiêu diệt hay kìm hãm phát triển một vài nhóm vi khuẩn nhất định. Việc dùng bừa bãi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dần kháng thuốc, từ đó mới xuất hiện câu chuyện về những siêu vi khuẩn có thể kháng tất cả kháng sinh trên thị trường”.

Người lớn ơi, thương con như thế bằng mười hại con! - 2

BS Ngô Đức Hùng cho rằng, thói quen lạm dụng kháng sinh của phụ huynh khiến trẻ phải “hứng chịu” những hậu quả không đáng có

Cũng theo lời bác sĩ Hùng, rất nhiều loài siêu KKS trên thế giới hiện nay lại có xuất xứ từ những vi khuẩn phổ biến và vô cùng yếu ớt mà bạn có thể gặp ở bất cứ đâu, như trực khuẩn mủ xanh huyền thoại (pseudomonas aeruginosa), E.coli, phế cầu, Klebsiella pneumonia và đặc biệt là siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii. Chính thói quen lạm dụng KS, không chăm sóc hệ miễn dịch đã góp phần phá vỡ thế cân bằng, dẫn đến vi khuẩn ngày càng biến tướng.

Riêng đối với trẻ em, vốn có hệ miễn dịch còn yếu, KKS sẽ càng trở nên nguy hiểm khó lường. Kết quả khám sàng lọc và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy có đến 30% trẻ đến bệnh viện có vi khuẩn kháng thuốc. Đây là một tỉ lệ rất cao mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi hành vi để không phải gây thêm “hậu họa” đáng tiếc cho con cháu.

Giúp trẻ sống khỏe từ những điều giản đơn

Có thể thấy, trẻ em không có quyền lựa chọn cách chăm sóc cho chính mình ngoài việc "thụ động" tiếp nhận từ người lớn. Cha mẹ có thể nghĩ đang làm điều tốt cho con nhưng “thương con như thế bằng mười hại con”.

Trẻ em xứng đáng nhận được sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện nếu người lớn chú ý hơn đến cách chăm sóc và điều trị bệnh cho con, đặc biệt khi liên quan đến điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Người lớn ơi, thương con như thế bằng mười hại con! - 3

Hãy xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để ngừa nhiễm khuẩn

Cha mẹ cần bỏ thói quen tự bắt bệnh, tự mua thuốc cho con uống, đồng thời bỏ suy nghĩ “cứ bệnh thì dùng kháng sinh mới khỏi”. Những bệnh khác nhau vẫn có thể có triệu chứng giống nhau. Không thể đơn giản thấy biểu hiện của trẻ giống bệnh này, bệnh kia rồi tự ý mua thuốc cho trẻ. Cũng không nên nghe theo các lời khuyên truyền miệng, thấy người khác dùng kháng sinh trị bệnh này cho con họ khỏe thì con mình có thể áp dụng tương tự. Mỗi đứa trẻ có cơ địa khác nhau, do đó cách điều trị càng cần riêng biệt. Quan trọng nhất là dùng thuốc phải theo đơn, và tuân thủ chính xác liệu trình điều trị của bác sĩ.

Bên cạnh đó, BS Ngô Đức Hùng nhấn mạnh, dùng kháng sinh phải cẩn thận nhưng mấu chốt là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việc đề phòng nhiễm khuẩn không đến nỗi phức tạp, chỉ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày, tập luyện cho hệ miễn dịch là đã đủ giúp cơ thể chiến thắng phần lớn các mầm bệnh. Thậm chí, một động tác rửa tay còn có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhiễm khuẩn mà theo bác sĩ: “Rửa tay bằng xà phòng đúng cách giống như vắc-xin cho hệ miễn dịch vậy. Và mỗi người trong chúng ta đều có thể khỏe mạnh từ những điều đơn giản ấy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN