Nghề sản xuất dụng cụ chỉnh hình: Nghề tạo "phép mầu"
Công việc của các kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình như một bức tranh đa sắc: Họ là nhân viên y tế, một người thợ lành nghề và cũng là một nghệ sĩ điêu khắc tài tình
Bên bàn làm việc, anh Đặng Văn Trường, kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, chăm chú dùng cọ quét từng chút dung dịch silicon lên một ngón tay giả. Nhìn những ngón tay tinh xảo đủ kích cỡ, màu da, có ngón thậm chí có phần móng được gọt giũa rất đẹp như tay một phụ nữ trẻ từ tiệm làm móng bước ra, chúng tôi hơi “dội”...
Giống như đúc, đẹp như mơ
Nếu lỡ tìm đến anh vào một đêm tối trời và không được giới thiệu trước đây là người chuyên làm ngón tay giả thì chắc không ít người hoảng hốt bởi những sản phẩm anh làm ra không khác gì ngón tay thật.
Để làm được những bộ phận cơ thể giả tinh tế đến vậy không phải là chuyện dễ. Để hoàn thành 1 ngón tay, anh Trường thường hẹn người bệnh ít nhất 1 tuần bởi công việc trải qua rất nhiều công đoạn như làm cốt âm, cốt dương, quét từng lớp silicon mỏng như sương cho đến khi ngón tay đủ độ dày mà mỗi lớp mất trọn 1 ngày mới khô... Các ngón tay đều được lấy mẫu từ ngón tay tương ứng của bàn tay còn lại và phải giống thật đến... từng đường chỉ tay.
Kỹ thuật viên Đinh Tuấn Lực của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM đang giúp một em bé đứng dậy sau khi mang giày chỉnh hình
Bà Lê Thị Hạ Quyên - Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, người từng phụ trách công việc làm ngón tay giả ở BV này trước khi anh Trường đảm nhiệm - thì “thử thách” chúng tôi bằng tấm hình một phụ nữ ngoài 40, ngồi bên bàn làm việc, khoe ra đôi bàn tay nõn nà có đeo những món trang sức rất đẹp. Nếu bà Quyên không nói thì chúng tôi không thể biết người phụ nữ này có đến 2 ngón tay giả và những chiếc nhẫn đã làm nốt công việc tinh tế của kỹ thuật viên: Che lấp dấu nối mờ giữa lớp silicon trên ngón tay giả và da thật. “Tôi bày cho cô ấy mua nhẫn đeo đấy” - bà Quyên cười và khoe một hộc tủ đầy nhẫn các kiểu để người bệnh thử.
“Để làm ra một ngón tay đẹp, tôi từng phải miệt mài tập pha màu để có được nhiều màu sắc hợp với màu da, ngồi mãi ở những tiệm làm móng để học cách chăm chút một cái móng tay đẹp, rồi đi khắp chợ và đem về đủ loại nhẫn...” - bà Quyên nói thêm.
Là một đơn vị có chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp nên không ít người lao động gặp tai nạn với các loại máy móc và mất đi ngón tay đã tìm đến đây và trở về với bàn tay toàn vẹn như một phép mầu.
Đâu chỉ cần kiên nhẫn, khéo tay
Những lần gặp mặt, anh Nguyễn Văn Ninh, quản đốc Xưởng Dụng cụ chỉnh hình của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, đều vội vàng chạy đi tìm khăn lau đôi bàn tay thường xuyên lấm lem thạch cao của mình. Đôi tay ấy đã hàng vạn lần khéo léo trau chuốt nên những phần thân, chân, tay người chuẩn xác như một tác phẩm điêu khắc. Để rồi sau đó, chính anh Ninh lại tự tay... đập bỏ chúng khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một cốt dương - tức phần cốt được làm chính xác với cơ thể thật của bệnh nhân để tạo khuôn cho nẹp chỉnh hình. Cốt dương phải đẹp bởi nó quyết định việc cái nẹp có vừa vặn, êm ái với bệnh nhân hay không. Và đó cũng chỉ là một trong những công đoạn vất vả để làm nên một món nẹp chỉnh hình - những thứ giúp người có cột sống biến dạng, cong vẹo có thể vươn thẳng người, giúp những đứa trẻ mang dị tật bẩm sinh tăng thêm sức cho đôi chân biến dạng khi lần đầu tập đứng, tập đi.
Những ngón tay giả được làm cho một cô gái trẻ - sản phẩm tinh tế của kỹ thuật viên BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp
Một góc khác của xưởng, anh Lê Duy Mỹ, một kỹ thuật viên, cũng gắn bó rất lâu năm với xưởng, chăm chút từng đôi giày nhỏ xíu như giày búp bê. Nâng niu 2 đôi giày - một đôi chỉ dài chừng 5 cm, một đôi lớn gấp đôi, anh kể: “Đây là giày của một bệnh nhi bị tật ở bàn chân từ khi chào đời. Bé cần có giày chỉnh hình mới có thể tập đi lại như trẻ bình thường. Đây là những đôi giày cũ của bé từ khi còn nhỏ xíu, giờ bé đã hơn 2 tuổi nên tôi làm đôi lớn hơn…”.
Khi được hỏi nguyên nhân có thể gắn bó với một công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn và vất vả như may giày em bé, mà phải là giày có chức năng đặc biệt như thế, anh Mỹ chỉ cười và bảo chỉ cần kiên nhẫn và khéo tay một chút là làm được. Nhưng chúng tôi hiểu rằng anh cần nhiều hơn thế bởi không chỉ đơn giản là một người thợ giày hiền lành, anh còn là một nhân viên y tế đầy trách nhiệm. Trong khi anh đang cố hoàn thành một chiếc giày nẹp thì một đôi khác cũng do anh vừa hoàn tất sáng hôm ấy đã được một đồng nghiệp đem ra mang cho bệnh nhi. Đang mải làm nên anh không kịp thấy ngoài kia là ánh mắt xúc động của một đôi vợ chồng già khi nhìn đứa cháu gái bại não lần đầu tiên có thể chập chững đứng dậy trên đôi chân mình ở tuổi lên 6.
Một cây làm chẳng nên non Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, để hoàn thành một dụng cụ chỉnh hình và giúp bệnh nhân sử dụng được dụng cụ đó một cách thoải mái nhất, cần có sự tham gia của nhóm đa chuyên môn, bao gồm bác sĩ chỉ định, kỹ thuật viên vật lý trị liệu và kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình. Trong bất kỳ công đoạn nào, các thành viên của nhóm đa chuyên môn này cũng cần thảo luận với nhau và với cả bệnh nhân để đưa ra kết luận, nhất là những ca phức tạp, phải làm các dụng cụ theo những yêu cầu đặc biệt. |
Kỳ tới: "Mỗi dụng cụ là một số phận"