Ngày thứ Hai đáng ghét?!
Không quá khó để nhận diện hội chứng “ngày thứ Hai”. Thường thấy nhất là tình trạng mệt mỏi và không hứng thú với công việc thể hiện qua bộ mặt thiểu não, dáng điệu ủ rũ, cử động chậm chạp, lại thêm ít nói.
Tạp chí y học British Medical Journal ở Anh đã từng gây xôn xao dư luận khi công bố kết quả một công trình nghiên cứu kéo dài cả chục năm. Đó là tuy đêm nào bên đó cũng có trường hợp nhồi máu cơ tim nhưng vào ngày thứ Hai, số nam giới dưới 50 tuổi phải bỏ cuộc chơi trong chốn hồng trần lại cao hơn 19%-25% nếu so với những ngày khác trong tuần.
Đáng nói là hiện tượng này cũng được ghi nhận ở nhiều xứ khác như Nga, Đức, Hoa Kỳ, Nhật… Thêm một điểm lạ là ở các quốc gia gọi là tiên tiến, nghĩa là cuộc sống bớt phần căng thẳng, như Thụy Sĩ, Thụy Điển… số vụ tự tử cũng tăng cao vào ngày thứ Hai, cứ như ngày đó nếu làm chuyện đó dễ hanh thông hơn ngày khác!
Không lửa khó có khói!
Khó cho thầy thuốc là nguyên nhân của hội chứng “ngày thứ Hai” vẫn còn mù mờ nên không dễ chẩn đoán. Có người cho là do nạn nhân không biết cách nghỉ ngơi hợp lý vào dịp cuối tuần, chẳng hạn vẫn tranh thủ xem video hay chơi game từ sáng đến tối, hoặc đi chơi thật xa rồi trở về trong tình trạng mệt nhoài, hoặc ngủ quá nhiều trong suốt hai ngày cuối tuần nên trật nhịp sinh học. Theo một giả thuyết khác, hội chứng trên là hậu quả của việc không ăn uống đúng cách, kẻ thì thiếu ăn ít uống vì ham chơi, người lại bội thực vì khẩu phần quá tải rượu thịt. Kiểu nào cũng vậy, hậu quả của cách nghỉ ngơi “tiêu cực” này là nhịp sống quen thuộc trước đó, như thức dậy đúng giờ để đến sở làm, ăn uống đúng giờ giấc… bị xáo trộn.
Theo các nhà nghiên cứu về bệnh tim mạch ở ĐH Munich, việc nghỉ ngơi không đúng cách chẳng khác nào một thể dạng stress khiến mạch vành trên thành tim co thắt thái quá cho dù gia chủ không tăng mỡ máu, không cao huyết áp. Đến máy còn cần thời gian khởi động nói chi cơ thể con người vốn có nhiều nhược điểm. Đột ngột lao vào cả núi công việc ngay sau hai ngày chưa đủ nghỉ ngơi, tim nào chịu đời cho thấu. Đó là lý do tại sao nhiều người nhồi máu cơ tim khi gặp bực bội vào buổi sáng đầu tuần, nhất là khi nạn nhân trước đó đã “hết sạch pin” vào buổi làm việc cuối cùng trong tuần trước đó nên giọt nước tràn ly khi gỡ tờ lịch đầu tuần!
Nên chọn bữa điểm tâm sáng thứ Hai cho ngon, cho no, cho thư thả để có đủ năng lượng chào tuần mới.
Ai dễ gặp “đại hạn” vào ngày thứ Hai?
Trong bối cảnh của cuộc sống “không căng không về”, ai cũng là miếng mồi ngon của “hội chứng ngày thứ Hai” nhưng nếu xét điểm không cần chạy trường, ai hội đủ tiêu chí dưới đây là ứng viên hàng đầu của nhóm chỉ mong tuần lễ bắt đầu từ sáng thứ… Ba!
• Giật mình khi nghe tiếng động
• Khó chịu khi có mùi khó ngửi
• Thức giấc giữa đêm khuya dù trước đó ngủ dễ
• Chán nản khi thức dậy
• Bực mình khi chưa xong công việc cuối ngày
• Lệ thuộc thuốc tăng lực
• Không đủ can đảm nói không với chính mình
• Khó chấp nhận lời phê bình cho dù người chê không ác ý.
Đường nào cũng có lối ra!
Theo chuyên gia về bệnh lý do stress ở ĐH Hannover, muốn không ngã gục vào sáng thứ Hai, nên lưu ý các biện pháp không mấy phức tạp như:
• Cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ Sáu để bắt đầu một tuần mới với tâm trạng thoải mái hơn nhờ không phải quá lo lắng cho công việc của tuần qua.
• Lên chương trình nghỉ ngơi cân đối và hợp lý cho hai ngày cuối tuần. Nếu là dân văn phòng thì nên chọn trồng cây, nấu ăn là thú tiêu khiển. Nếu là người kiếm cơm bằng vai u thịt bắp thì nghe nhạc, đọc sách, câu cá nên là mánh giải độc cho cơ thể.
• Nếu thứ Hai tuần này cảm thấy quá mệt mỏi thì nên sắp xếp nhiều thời gian nghỉ hơn cho dịp cuối tuần tới. Tất nhiên nói dễ hơn làm!
• Tập luyện thể dục thể thao vào dịp cuối tuần nếu công việc trong tuần đòi hỏi nhiều tư duy. Nhưng đừng chọn môn đụng chạm, môn ăn thua quá sát phạt.
• Tránh thức quá khuya vào tối Chủ nhật. Nên nhớ ngủ đủ giấc giúp khỏe khoắn và minh mẫn khi thức dậy để thấy đời tuy đáng ghét vẫn còn điểm nào đó đáng yêu.
• Dành nhiều thời gian để chuẩn bị đi làm vào sáng thứ Hai để đến nơi đúng giờ, thừa giờ càng hay để thảnh thơi “mở hàng” cho tuần lễ đằng nào cũng căng thẳng đang chờ trước mặt.
• Chọn bữa điểm tâm sáng thứ Hai cho ngon, cho no, cho thư thả để có đủ năng lượng chào tuần mới.
• Tránh chương trình làm việc quá nặng vào thứ Hai, nhất là đừng đặt ra thời hạn chót cho công việc nào đó vào ngày này. Trái lại, rải đều công việc trong tuần cho các ngày khác để ngày thứ Hai cứ như được nghỉ 50%.
• Vào tối thứ Hai, nên sắp xếp để có càng ít công việc riêng càng tốt. Chẳng hạn, nếu muốn giặt đồ vào tối thứ Hai, hãy chuyển sang tối hôm sau. Nên nhớ thứ Hai là ngày khởi động của một tuần còn đến mấy ngày. Hãy nương tay cho cơ thể một chút.
Mới hôm qua gặp anh bạn trong giới doanh nhân đang bù đầu vì chuyện lãi trần lãi nền gì đó. Hỏi anh có sợ ngày thứ Hai không, anh trả lời không. Mừng ghê vì tưởng gặp được người cứng cựa. Ai dè hỏi thêm mới ngã ngửa với câu trả lời: “Ngày nào cũng sợ, nhằm nhò gì thứ Hai?”!
BS Lương Lễ Hoàng