Làng Cự Đà sau cơn bão “rượu methanol”
Ngày 14/3, PV Báo Giao thông đã có mặt tại Cự Đà (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), nơi cách đây gần 1 tuần, lực lượng chức năng từng phát hiện ra đầu mối buôn bán rượu có chứa methanol khiến nhiều người nhập viện trong thời gian qua.
Làng Cự Đà đìu hiu sau cơn bão “rượu methanol”. (Ảnh minh họa)
Một người dân ở đây cho biết, giờ muốn mua rượu ở đây cũng khó, vì hầu hết các nhà nấu rượu đều đã ngừng hoạt động. Những nhà nấu rượu chuyển sang đi làm thuê cho các nhà làm miến, làm tương cả.
Nói về rượu pha methanol của nhà buôn rượu Duy Hảo bị cơ quan chức năng xử phạt, anh Nguyễn Văn L., một chủ hộ sản xuất rượu tại Cự Đà cho biết: “Ngay tại đất làm rượu này cũng không có loại rượu nào được bán rẻ dưới 35 nghìn đồng/lít cả. Vì 1 yến gạo nếp cũng chỉ làm ra được 6-7 lít rượu thì làm sao bán được giá thấp. Trong khi đó, họ rao bán 10 nghìn đồng/lít thì chỉ có rượu rởm mà thôi”.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phạm Thị Lương Duyên, Phó chủ tịch xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội cho biết, xã có 6 thôn, trước đây hầu hết các thôn đều có hộ nấu rượu. “Ngay sau khi sự vụ phát hiện ra một hộ bán rượu có chứa methnol tại thôn Cự Đà, huyện đã có công văn chỉ đạo chúng tôi rà soát, lập danh sách, thống kê các cơ sở, hộ gia đình nấu rượu và tuyên truyền đến các hộ dân. Đến nay, chưa có con số cụ thể, tuy nhiên, rất nhiều hộ dân đã dừng sản xuất rượu”, bà Duyên nói.
Bà Duyên cũng cho biết, theo đúng quy định, các hộ sản xuất kinh doanh rượu để được hành nghề cần phải được cấp chứng nhận về ATTP, tuy nhiên, các điều kiện để cấp chứng nhận này rất gắt gao. Ngoài điều kiện về giấy đăng ký kinh doanh, chủ hộ phải tham gia lớp học kiến thức ATTP, khám sức khỏe; để được nhận chứng nhận ATTP còn cần được kiểm tra về quy trình nấu rượu, vệ sinh môi trường, nguồn gốc chất lượng nguyên liệu gạo, men…
Hiện nay, Cự Đà chưa có hộ sản xuất kinh doanh rượu nào được cấp chứng nhận ATTP.