Làm thế nào để người bệnh không phải nộp khoản tiền “khó nói”?

Sự kiện: Thời sự Sống khỏe

Đây cũng là một trong những trăn trở của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong năm mới.

Làm thế nào để người bệnh không phải nộp khoản tiền “khó nói”? - 1

Sau khi thị sát Bệnh viện K Hà Nội, nhiều bệnh nhân "tố" thái độ y bác sĩ với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chia sẻ với phóng viên trong những ngày cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ những trăn trở của mình với ngành và “hứa” với người dân sẽ quyết tâm, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thưa Bộ trưởng, trong thời gian thị sát ở Bệnh viện K vừa qua, Bộ trưởng đã chứng kiến nhiều người “tố”nhân viên y tế vòi tiền, nhũng nhiễu người bệnh. Vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ làm gì để người bệnh không phải nằm ghép cũng như không phải đóng các khoản tiền “khó nói”, ngoài viện phí?

Người bệnh không phải nằm ghép, không phải đóng các khoản tiền “khó nói” cũng là một trong những trăn trở của ngành y tế.

Thời gian qua, khi kiểm tra đột xuất các đơn vị, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Chiến lược và Chính sách y tế tham gia và đánh giá độc lập theo các Tiêu chí chấm điểm.

Tại Bệnh viện K, mức độ hài lòng của người bệnh cho kết quả cơ sở 1 lại cao nhất 87,5% và cơ sở 3 là thấp nhất 51,7%. Tỷ lệ này phản ánh một cách trung thực, khách quan, đúng với thực tế vì có thể có do cách sắp xếp, tổ chức khoa phòng chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bệnh. Đặc biệt còn tình trạng nằm ghép, đến 4 người bệnh/giường bệnh.

Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là tinh thần thái độ phục vụ, cơ chế “xin-cho”, “mang ơn” của cán bộ y tế, hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh….

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.

 Với cá nhân, Bộ trưởng đã hài lòng với chất lượng phục vụ chưa?

Bước đầu ngành y tế đã có những chuyển biến tích cực nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà người bệnh đã bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh.

Vì vậy, cá nhân tôi vẫn chưa thể hài lòng được, vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục quan tâm thực hiện, thực hiện quyết liệt, phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành y tế và cả người dân.

Vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi thái độ phục vụ, làm hài lòng người bệnh?

Việc thay đổi thái độ phục vụ để làm hài lòng người bệnh bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, số thư khen ngợi tinh thần thái độ tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cán bộ y tế đã giảm, nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành y tế, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.

Làm thế nào để người bệnh không phải nộp khoản tiền “khó nói”? - 2

1Bộ trưởng Y tế còn nhiều trăn trở về thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế.

Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại khu vực khám bệnh cũng như tại phòng bệnh trong các bệnh viện đã được cải thiện và nâng cấp hơn: ghế ngồi cho người bệnh chờ khám tăng, nước uống, báo đọc, quạt mát phục vụ người bệnh cũng đã được quan tâm đáp ứng...

Bên cạnh những thành tích đạt được, còn rất nhiều tồn tại cần giải quyết. Đó là tình trạng quá tải bệnh viện, một số lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, vẫn nặng về cơ chế bao cấp.

Về phía cán bộ y tế, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, tâm lý “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ … nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc)...

Bộ Y tế sẽ đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

 Bộ trưởng sẽ có đột phá gì để ngành y tế thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân?

Trong thời gian vừa qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố và nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên.

Hiện nay, tư tưởng có bệnh mới chữa vẫn còn, nhiệm vụ của ngành y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực.

Ngoài ra, ngành y tế cần phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh – sạch – đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh.

Một điều nữa là tôi mong ước mọi người dân đều có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua BHYT thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT.

Còn nhiều vấn đề nữa nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN