Kinh nghiệm hợp tác giữa “nhà báo” và “nhà y”

Để cải thiện mối quan hệ “ nhà báo – nhà y”, ở một số nước tiên tiến có hẳn ngành học đào tạo nhà báo viết về ngành y với trình độ sau đại học. Nếu đã là bác sĩ, thì họ sẽ học cách viết báo sao cho không để vi phạm nguyên tắc của nghề báo và nghề y; nếu đã là nhà báo, thì họ sẽ biết cách viết về ngành y sao cho không gây trở ngại cho cả hai bên.

Lý do cốt lõi đã làm gia tăng khoảng cách giữa nhà báo và “nhà y” là sự chưa hiểu biết về nghề nghiệp của nhau. Ngành y có một nguyên tắc quan trọng là phải giữ tuyệt đối bí mật những thông tin trong mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, không được phê phán người bệnh và phải luôn tôn trọng đồng nghiệp.

Do vậy, những khi có sự không hài lòng của người bệnh, có sự phản ánh, khiếu kiện thì nhà báo thường chỉ có thể tiếp cận được một phía – phía người bệnh – để lấy thông tin, còn người thầy thuốc vẫn phải giữ nguyên tắc bí mật nghề nghiệp, không thể tiết lộ, trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến pháp y hoặc có sự thoả thuận trước bằng văn bản với người bệnh. Những hình thức tiết lộ nặc danh như giấu tên, giấu địa chỉ, chụp hình che mắt… đều không đủ đảm bảo tính bí mật, vì vẫn dễ bị phát hiện do tình huống bệnh lý được mô tả.

Nhiệm vụ nhà báo là phải thông tin kịp thời, phải tìm kiếm những chi tiết phục vụ độc giả. Trong khi tác nghiệp, nhà báo dễ có sự không hài lòng với cách ứng xử của “nhà y”. Tuy nhiên, các nhà báo đều có tinh thần trách nhiệm cao, và họ cũng hiểu rõ mối quan hệ phức tạp, đặc thù của ngành y. Trên thực tế đã có những trường hợp bị “tác dụng phụ” ngoài ý muốn. Một bài báo ca ngợi một cá nhân trong kíp mổ chẳng hạn có thể làm phiền lòng nhiều người khác dù họ không nói ra. Một bài báo nêu một gương điển hình tiên tiến ở một khoa lâm sàng chẳng hạn thì chẳng bao lâu sau, “điển hình” đó phải… xin chuyển qua khoa khác. Nói chung, thầy thuốc rất ngại khi được nêu tên mình, việc mình lên mặt báo!

Kinh nghiệm hợp tác giữa “nhà báo” và “nhà y” - 1

Nhà báo dễ có sự không hài lòng với cách ứng xử của “nhà y”

Dưới đây là một số kinh nghiệm có thể tham khảo để có sự hợp tác tốt giữa “nhà y” và nhà báo, tránh căng thẳng, bất lợi cho nghề nghiệp cả hai. Khi tiếp nhận một cú điện thoại bất ngờ của một nhà báo muốn tìm hiểu về một vấn đề gì đó, một ca bệnh lý nào đó vì có thư thưa gởi chẳng hạn, người thầy thuốc phải:

Bình tĩnh. Dù bị quay hỏi gay gắt, tò mò, tọc mạch cũng phải bình tĩnh. Không nổi giận, bực mình, cáu gắt. Nếu mọi việc chưa rõ ràng, chưa nắm đủ thông tin thì có thể trả lời chung chung, đừng vội trả lời thẳng vào câu hỏi.

Lý do cốt lõi đã làm gia tăng khoảng cách giữa nhà báo và “nhà y” là sự chưa hiểu biết về nghề nghiệp của nhau.

Hỏi rõ danh tánh nhà báo, tên cơ quan báo chí, thời hạn chót để trả lời. Đừng quên chủ động gọi lại sớm để tỏ thiện chí của mình. Nhiều tình huống do yếu tố phải giữ bí mật nghề nghiệp, không được phép bình luận về ca bệnh lý, về bệnh nhân, về đồng nghiệp của mình thì cũng không bao giờ nên trả lời cộc lốc kiểu “miễn bình luận”, “không có ý kiến” – vì sẽ gieo hoang mang, suy diễn không hay – mà phải giải thích kỹ càng, một cách chân tình. Nhà báo sẽ hiểu nỗi khó khăn của thầy thuốc.

Liên hệ ngay với lãnh đạo, trao đổi với đồng nghiệp nên trả lời với nhà báo thế nào để vừa cung cấp thông tin theo yêu cầu nhà báo mà vẫn giữ được những nguyên tắc nghề nghiệp, tính bảo mật của ngành y.

Nếu có thể, nên tham khảo một nhà báo thân quen để hiểu thêm phía báo chí cần những thông tin gì trong trường hợp này, và điều gì là không cần và không nên.

Nói năng thận trọng, chừng mực bởi khi trả lời cho nhà báo, bao giờ cũng được… thu băng, do đó trong phạm vi cho phép, đừng nổi nóng. Những câu nói không hay trong lúc nổi nóng, bực mình, sẽ được xuất hiện ngay trên mặt báo… ngày hôm sau!

Khi được yêu cầu cho chụp ảnh, quay phim thì nên hợp tác. Đừng tránh né, che mặt, lắc đầu, chạy trốn… vô ích mà còn gây thêm hiểu lầm! Thường thì những ảnh chụp cũng sẽ được xử lý “có nghề” của biên tập, đừng lo!

Trong mọi tình huống, không được để cản trở việc chăm sóc bệnh nhân. Nguyên tắc là phải vì bệnh nhân trên hết. Nhà báo, đoàn làm phim... không được gây trở ngại cho công tác chuyên môn của người thầy thuốc, nhất là trong trường hợp cấp cứu.

Luôn giữ nguyên tắc nghề nghiệp, cư xử đúng chức năng, nghiệp vụ, đồng thời cũng luôn tôn trọng và thấu cảm chức năng, nghiệp vụ của nhà báo. Cả hai bên đều có sự tôn trọng và thấu cảm lẫn nhau thì mọi sự sẽ tốt đẹp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN