Kinh hoàng sán nhái chui vào phổi

Trước đây, Việt Nam chỉ ghi nhận bệnh nhân bị sán nhái ký sinh ở mắt nhưng hiện tại đã ghi nhận hai bệnh nhân bị sán nhái chui vào phổi và thành bụng mà không rõ nguyên nhân.

Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhi 26 tháng tuổi ở Bắc Giang. Bệnh nhi bị sốt cao, khó thở, nhập Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được điều trị tích cực nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng nặng mà không rõ nguyên nhân. Kết quả chiếu chụp cho thấy, có dị vật bên trong phổi. Dù không xác định được nguyên nhân nhưng để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ tiến hành phẫu thuật và bất ngờ bắt được một ấu trùng sán nhái dài 42cm, rộng 0,8cm. Xét nghiệm đó là loài sán nhái Spirometra erinacei.

Kinh hoàng sán nhái chui vào phổi - 1

Ấu trùng sán nhái trong màng phổi trẻ em 26 tháng.

Kinh hoàng sán nhái chui vào phổi - 2

Ấu trùng sán nhái thu thập từ khối u thành bụng bệnh nhân 70 tuổi.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 70 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y vì xuất huyết dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thấy bệnh nhân có một khối u ở thành bụng nên kết hợp lấy ngay. Mọi người hết sức ngạc nhiên vì bên trong khối u là một ấu trùng sán nhái dài 20cm, rộng 0,6cm, màu trắng sữa. Bệnh nhân cho biết, cách đó ít lâu, bệnh nhân thấy ở thành bụng cảm giác như con gì bò, nhìn thấy một khối sưng không đau nhưng chưa đi khám.

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sán nhái trưởng thành Spirometra erinacei thường ký sinh ở ruột chó, mèo, hiếm khi ở người. Cách ấu trùng sán nhái xâm nhập vào người là do: Sán trưởng thành có kích thước 60cm x 0,5 - 0,6cm ký sinh ở ruột non chó, mèo. Trứng được thải ra môi trường, xuống nước nở ra ấu trùng lông xâm nhập giáp xác, ếch nhái ăn phải, ấu trùng ký sinh ở cơ, được gọi là sán nhái. Người bị nhiễm ấu trùng sán nhái khi ăn phải ấu trùng từ động vật hay giáp xác hoặc đắp ếch nhái lên mắt để chữa bệnh (ấu trùng sẽ rời cơ ếch để chui vào giác mạc mắt, ký sinh và gây bệnh). Cũng có trường hợp ăn ếch nhái có ấu trùng chưa được nấu chín, do có ái tính với giác mạc, ấu trùng sán di chuyển đến ký sinh ở giác mạc mắt. Tuy vậy, ấu trùng sán nhái có thể di chuyển đến một số vị trí khác trên cơ thể người để ký sinh và gây bệnh nguy hiểm cho người.

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện bệnh sán nhái, uống đúng loại thuốc trị sán nhái sẽ có tác dụng. Để phòng bệnh ấu trùng sán nhái cũng như phòng bệnh các ký sinh trùng truyền qua thức ăn, cần thực hiện ăn chín uống sôi, dao thớt, dụng cụ chế biến thức ăn sống cần được vệ sinh tốt và không dùng chung với thức ăn chín.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Hà (Bee.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN