Chết trên ruộng vì nắng nóng

Say nắng, đột qụy trong thời tiết quá nắng nóng đang trở thành mối nguy hại cho những người phải làm việc ngoài trời, nhất là người nông dân. Đã xảy ra những cái chết thương tâm ngay trên ruộng cày.

Gục trên luống cày

Như NTNN đã đưa tin, nắng nóng kéo dài vượt ngưỡng 40 độ C trong những ngày qua đã khiến 2 nông dân ở xứ Nghệ tử vong ngay trên đồng. Hai nông dân xấu số là ông Nguyễn Văn Liễu (SN 1964) và bà Nguyễn Thị An (SN 1955), trú tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc. Chúng tôi tìm về xóm 9 và xóm 10, xã Nghi Thạch, Nghi Lộc vào một ngày nắng như thiêu như đốt. Bà Nguyễn Thị Tuyết, người cùng xóm với nạn nhân An vẫn chưa hết bàng hoàng: “Đau xót quá chú ạ. Hôm đó tôi đang phơi lúa ngoài sân thì nghe tin bà An đang làm ngoài đồng bất ngờ ngất xỉu vì nắng nóng. Các con của bà An đã chạy ra, gọi xe đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An nhưng quá muộn rồi”.

Chết trên ruộng vì nắng nóng - 1

Trong ngày nắng nóng, số người già, trẻ em đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Xanh- pôn tăng cao.    Ảnh:  Diệu Linh 

Trong căn nhà nhỏ của gia đình nạn nhân, không khí tang thương bao trùm. Bà Nguyễn Thị An kết hôn với ông Nguyễn Duy Lạc, sinh được 6 người con, gia đình làm nông nghiệp. Cả cuộc đời, 2 vợ chồng gắn bó với mấy sào ruộng khoán, ngoài ra còn phải thu mua đồng nát may ra mới đủ trang trải cuộc sống. Ông Nguyễn Duy Lạc (chồng bà An) buồn bã nhớ lại: “Sáng 31.5, bà ấy dậy sớm hơn mọi ngày và dặn dò tôi ở nhà dọn dẹp nhà cửa, còn bà tranh thủ ra đồng làm cỏ (cách nhà khoảng 3-4km). Khoảng 9 giờ 30 tôi nhận được tin báo bà ý ngất xỉu ngoài ruộng vì nắng nóng. Lúc đó tôi thất thần, chân tay bủn rủn, tri hô các con và người thân chạy ra đồng thì thấy bà nhà tôi đang nằm bất tỉnh ở ruộng”.
 

Trong lúc người dân Nghi Thạch chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà An thì sáng ngày 1.6 lại thêm một người nữa tử vong do nắng nóng. Đó là ông Nguyễn Văn Liễu (SN 1964). Ông Nguyễn Viết Hùng (hàng xóm ông Liễu) cho biết: “Gia đình ông Liễu có 5 người con, ngoài làm nông không có nghề gì khác. Ông Liễu siêng năng, khi nào cũng thấy làm lụng nhưng chỉ đủ ăn”. Tìm tới nhà ông Liễu, PV được anh Nguyễn Văn Liên (con trai ông Liễu) chia sẻ: “Năm nay nắng nóng hơn mọi khi nên bố tôi hay ra đồng sớm. Hôm 1.6, bố tôi dậy từ 3 giờ sáng để đi cày. Do đất cứng nên làm một lúc thì cày bị gãy. Bố tôi sang hàng xóm mượn cày làm cho xong. Đến khoảng 8 giờ, giữa lúc đang làm, chắc do nắng quá, cộng với sức khỏe yếu nên bố tôi ngất xỉu ngay tại ruộng.

Mất ý thức dưới nắng nóng 42oC

Trường hợp bà An và ông Liễu tử vong vì nắng nóng khi đi làm đồng là những trường hợp đầu tiên. Cả hai đều có biểu hiện của việc xay nắng, chóng mặt dẫn đến ngất xỉu rồi tử vong. Do phát hiện quá muộn nên cả  ông Liễu và bà An khi đưa đến cơ sở y tế đêrể cấp cứu thì tim đã ngưng đập.   
Ông Đặng Bá Giáp – Trưởng trạm y tế xã Nghi Thạch
Ngày 4.6, bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong những ngày nắng nóng gần đây, khoa Cấp cứu thường xuyên tiếp nhận những ca đột qụy, say nắng. Ngày 31.5, bệnh nhân Lê Ngọc H (47 tuổi, trú tại Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Người nhà cho biết, khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân đi gặt lúa thuê, mỗi ngày nhóm gặt phơi mình dưới cái nắng gắt khoảng 4-6 giờ. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 40-42 độ. Khoảng 15 giờ (lúc nắng gắt nhất) ngày 30.5 khi đang đứng đóng gói bao thóc thì bệnh nhân đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau vài chục phút thì hôn mê. Bệnh nhân đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình trong tình trạng sốt cao, da đỏ toàn thân, hôn mê sâu. Trước đó một ngày, bệnh nhân Tạ Thị Vân H (88 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang đi chợ vào lúc khoảng 9 giờ sáng thì đột ngột mất ý thức nên được người dân đưa đi cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân bị hôn mê, co giật, da đỏ toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp. Nhận định đây là ca say nắng nên các bác sĩ cũng đã xử lý như đối với bệnh nhân H. Hiện sức khỏe của hai bệnh nhân đã tạm thời ổn định.

Theo bác sĩ Chính, dưới nhiệt độ 37-38 độ trở lên, nếu ở ngoài trời lâu, mọi người rất dễ bị say nắng (sốc nhiệt), đặc biệt với người trên 50 tuổi. Say nắng có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Say nắng thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu do nhiệt, lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng cũng có người chưa kịp mệt thì đã gặp các triệu chứng nặng hơn như buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, nói lảm nhảm và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Cách sơ cứu khi say nắng

Những người có tiền sử huyết áp cao cho dù có uống thuốc đều thì các ngày nắng nóng cơ thể khó chịu nên huyết áp có thể tăng bất thường. Do đó, bệnh nhân diện này không nên ra ngoài khi trời nắng gắt. Ngoài ra, người huyết áp cao nếu thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu thì nên đi khám ngay chứ không nên tự điều trị ở nhà.

Nắng nóng đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi vì cơ thể mất nước, mất điện giải, do đó cần khuyến cáo người già không ra ngoài trời nắng quá lâu, uống ít nhất 1,5 lít nước (8 cốc nước to) mỗi ngày. Có thể thay bằng nước rau, nước hoa quả. 

Những nông dân, công nhân làm việc ngoài trời cũng nên tránh các giờ cao điểm. Nếu phải làm việc ngoài trời thì nên mặc các trang phục sáng màu, thoáng mát, đội mũ rộng vành, cứ 1-2 giờ làm việc lại vào bóng râm nghỉ 5-10 phút và “tiếp sức” cho cơ thể bằng cách uống nước. Nếu thấy mệt mỏi, hoa mắt lập tức phải nghỉ làm, vào ngay chỗ râm mát. 

Những người cùng làm việc trong môi trường nắng nóng cũng cần lưu ý nếu thấy ai đó mệt mỏi muốn xỉu hoặc nói năng lộn xộn thì nên đưa ngay vào bóng râm hoặc môi trường có điều hòa, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu cơ thể bệnh nhân nóng sốt thì có thể làm mát cơ thể bệnh nhân bằng quạt, đắp khăn ướt, giội nước lên người bệnh nhân hoặc đắp túi nước đá vào các vùng có nhiều mạch máu để nhanh chóng hạ nhiệt cơ thể như nách, bẹn, cổ, lưng cho bệnh nhân. Nếu thấy bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, ngất xỉu thì nhanh chóng đưa đến bệnh viện. 

Bác sĩ Đồng Văn Thành – Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tập- Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN