Cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đã vào mùa và có dấu hiệu tăng mạnh ở các địa phương như Hà Nội, TP.HCM với hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết.

Cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại BV Nhiệt đới trung ương

Cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết

Chị Nguyễn Thị Kim A. trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội đang nằm điều trị tại khoa Vi rút - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhà chị 3 mẹ con đều bị sốt. Những ngày đầu, chị tưởng sốt thông thường nên uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, gần đây triệu chứng sốt không đỡ kèm theo biến chứng đau đầu, nhức xương khớp, mệt mỏi.

Ba mẹ con chị Kim A. vào bệnh viện khám, bác sĩ cho làm các xét nghiệm và chẩn đoán kết luận bị sốt xuất huyết. Chị Kim A. và con bị hạ tiểu cầu phải nằm viện điều trị. Còn con lớn của chị điều trị ngoại trú.

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Viết N. cũng tương tự. Mẹ của N. cho biết phòng trọ có hai người thì cả hai người đều bị sốt. N. sốt nặng và không có dấu hiệu hạ sốt. Cậu được người bạn trong xóm trọ đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên, cả sáng nay cặp nhiệt độ, N. vẫn sốt cao 39 độ C và mệt mỏi. Mẹ của N. lo lắng, từ khi nhập viện con vẫn sốt và đau nhức người. Tiểu cầu giảm đã được truyền dịch nhưng tình trạng mệt mỏi vẫn chưa cải thiện. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết. Các bệnh nhân đến khám và tiểu cầu giảm nên các bác sĩ cho nhập viện. Nhiều bệnh nhân bị sốt tự điều trị, uống thuốc dẫn đến bệnh có biến chứng khác.

Tại khoa Vi rút của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng vọt. Nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, nằm ghép. 

Sốt xuất huyết có thể thành dịch

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết bệnh sốt xuất huyết trên thủ đông chưa thành dịch nhưng gia tăng số ca bệnh, theo thống kê số ca bệnh tháng sau cao hơn tháng trước. Ông Cảm khuyến cáo đang là mùa dịch nên sốt xuất huyết có thể phát triển thành dịch. Thời tiết đang chuyển mùa, từ mùa hè sang mùa thu, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN