Bộ trưởng Tiến mở fanpage: “Facebook không phải phép thần”

“Bộ trưởng lập Facebook, điều đáng quan tâm nhất là hiệu quả, bởi Facebook không phải là phép thần”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chính thức tham gia Facebook. Bà là chính khách đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm lập Facebook để “lắng nghe và thấu hiểu” người dân.

Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ do bà trực tiếp quản lý, điều hành, cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận ý kiến của nhân dân.

Bộ trưởng Tiến mở fanpage: “Facebook không phải phép thần” - 1

Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế

Phong cách làm việc mới

Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc Bộ trưởng Y tế mở trang Facebook cá nhân thể hiện phong cách làm việc mới, dân chủ, gần dân.

Bộ trưởng Tiến mở fanpage: “Facebook không phải phép thần” - 2

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết

“Facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến với thông điệp Lắng nghe và thấu hiểu chắc chắn sẽ được hoan nghênh, qua đó bà Tiến có thể tiếp nhận được nhiều ý kiến của người dân và cung cấp cho người dân nhiều thông tin về ngành Y tế cũng như về việc chăm sóc sức khỏe”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Theo ông, ở Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ Facebook chính thức. Đó là một việc làm mới mẻ, mặc dù ở nhiều nước trên thế giới, chính khách giao lưu với dân trên mạng xã hội là việc rất bình thường. Chẳng hạn: Ở Trung Quốc, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có Facebook từ rất lâu. Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là “ông vua mạng xã hội” khi có tài khoản hàng loạt mạng xã hội khác nhau, từ Facebook, Twitter…

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Chính khách lập Facbook là một hình thức giao tiếp với dân, để lắng nghe ý kiến của người dân. Tuy nhiên, duy trì Facebook sao cho hiệu quả là điều người dân, xã hội quan tâm hơn.”

“Người bận rộn như Bộ trưởng mở Facebook ra, liệu có thời gian để đọc và trả lời ý kiến của người dân không? Dân góp ý, Bộ trưởng tiếp thu đến đâu? Facebook có duy trì được lâu không? Tất cả những điều đó phụ thuộc vào người chủ trang Facebook.”, GS bày tỏ.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, điều ông quan tâm nhất đến việc mở Facebook của một chính khách là hiệu quả bởi có người mở Facebook nhưng được một thời gian phải đóng vì không có hiệu quả.

 

Sẽ có nhiều chiều bày tỏ thái độ

Đồng quan điểm, TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Điều tra dư luận xã hội đánh giá, xét về mặt xã hội, Bộ trưởng lập Facebook là việc làm tốt. Vị tư lệnh ngành mở trang Facebook là chuyện bình thường.

Bộ trưởng Tiến mở fanpage: “Facebook không phải phép thần” - 3

PGS-TS. Trịnh Hòa Bình

Ông lý giải, Facebook là mạng xã hội, giúp con người tương tác, thực hiện giao tiếp xã hội. Lập Facebook là điều kiện để nhà quản lý thực hiện giao tiếp xã hội với số lượng người nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, giao tiếp trên mạng có xã hội chắc chắn sẽ nhiều chiều bày tỏ thái độ nhưng đó lại là điều kiện để nhà quản lý điều chỉnh tốt hơn.

“Bộ trưởng Y tế lập Facebook, hiệu quả cao hay thấp phải tùy thuộc vào cá nhân bà Kim Tiến bởi Facebook không phải là phép thần. Facebook cũng có mặt trái nhất định, nếu cá nhân không vượt qua được, có thể có tác dụng ngược”, TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, bà Nguyễn Thị Kim Tiến lập Facebook nên có bộ phận kỹ thuật để lọc các ý kiến bởi tuy Facebook của Bộ trưởng không phải cổng thông tin chính thức của cơ quan nhà nước nhưng cũng là chỗ giao tiếp trên mạng xã hội của chính khách nên người dân tham gia phải có tên tuổi đàng hoàng, nêu những ý kiến có trách nhiệm và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với văn hóa giao tiếp.

TS Hà Anh Đức, Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết: “Fanpage của Bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận, sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xứ lý thích hợp.

Theo TS Hà Anh Đức, vì bản chất Facebook là một kênh để đưa các thông tin đến với dư luận, nên ngành y tế không thể ngồi viết mà phải lấy thông tin từ các báo chính thống, qua đó nhận được những phản hồi của cộng đồng sử dụng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN