Bí quyết chọn bánh Trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, mỗi loại nguyên liệu làm bánh Trung thu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..).
Tết Trung thu không thể thiếu những chiếc bánh dẻo, bánh nướng. Tuy nhiên, liệu trong dịp Tết này, bánh Trung thu có bảo đảm an toàn thực phẩm không? Người dân cần làm gì để chọn được những chiếc bánh Trung thu an toàn?
Ngày 13/8, Cục An toàn thực phẩm chia sẻ cách chọn lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu đảm bảo an toàn.
Bánh nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh
Theo Cục An toàn thực phẩm, để làm bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm. Nguyên liệu từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh.
Bánh Trung thu không rõ nguồn gốc được bày bán. (Ảnh minh họa)
Bánh được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..).
Ngoài ra, mỗi loại bánh cũng đều có nguy cơ ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu...).
Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân” gây ô nhiễm bánh.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, bánh Trung thu không bảo quản dài được (hạn sử dụng chỉ 1 - 2 tháng), thời gian Tết Trung thu rất ngắn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung gia tăng đột biến nhiều khi vượt quá cả năng lực sản xuất... nhưng vì "lợi nhuận" nhiều nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, chất lượng nguyên liệu để sản xuất, khai thác nguồn hàng để kinh doanh.
Đặc biệt, việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn.
Tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc
Cục An toàn thực phẩm cho biết, để có bánh Trung thu an toàn, mỗi chiếc bánh cần được sản xuất những cơ sở có đủ điều kiện về địa điểm, môi trường, nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ sản xuất, bảo quản, người sản xuất có đủ điều kiện vệ sinh và nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thị trường bánh Trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Người tiêu dùng có quyền "tẩy chay" sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Khi chọn mua bánh Trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng không lựa chọn bánh bị dập nát biến dạng, bao bì rách nát, có mầu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc…
Trong quá trình sử dụng, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
“Người dân cũng chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có mầu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ”, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân phải rửa tay sạch trước khi cắt bánh, không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giầu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.