Bệnh không được… cười

Khoảng 40% phụ nữ mắc chứng tiểu không kiểm soát, hay gọi là són tiểu khi ho, hắt hơi, cười, tập thể thao... Tuy nhiên, rất ít chị em tìm gặp bác sĩ, dù bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Hắt hơi là tiểu

Đứa con đầu lòng ra đời được 4 tháng thì chị T.V.L (32 tuổi ở quận Tân Phú, TP HCM) phát hiện mình có triệu chứng khó chịu: mỗi lần ho, cười hay hắt hơi là són tiểu. Thăm khám ở khoa Nội tiết của BV Bình Dân TPHCM, chị T. mới biết tình trạng trên là do mắc bệnh tiểu không kiểm soát.

Bệnh không được… cười - 1

Nhiều phụ nữ mắc bệnh són tiểu nhưng rất ít người đi khám.

Chị H (43 tuổi, giáo viên ở quận Phú Nhuận, TP HCM), rất bực bội vì phải mang băng vệ sinh cả ngày. Không chỉ hắt hơi hay ho là són tiểu, ngay cả thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc cười lớn, chị H. cũng són tiểu.

Theo bác sĩ Anh Duy (khoa Niệu A BV Bình Dân) nhiều phụ nữ mắc tiểu không kiểm soát, nhưng âm thầm chịu đựng do ngại ngùng. Khảo sát ở các nước cho thấy có đến 40% phụ nữ mắc chứng bệnh này, nhưng chỉ có một nửa trong số đó thổ lộ với bác sĩ.

Trong khi đó, són tiểu ở nam giới hầu như chỉ xảy ra ở người lớn tuổi vì tắc đường tiểu dưới hoặc phì tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến (Trưởng khoa Niệu của Bệnh viện FV) cho biết, tiểu không kiểm soát là tình trạng tiểu són ra khi có áp lực đột ngột tác động lên các cơ vùng bụng.

“Ho, hắt hơi, nâng vật nặng hay khi chơi thể thao, tiểu gấp hay khó nhịn tiểu đều gặp phải són tiểu. Són tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ và có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục do luôn ở trong tình trạng ẩm ướt”, bác sĩ Tiến nói.

Về nguyên nhân, bác sĩ Anh Duy cho rằng, đây là ảnh hưởng của việc thai nghén, sau sinh con hoặc suy giảm nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh… khiến vùng sàn chậu yếu đi làm chức năng hoạt động của bàng quang có vấn đề.

90% trị dứt sau phẫu thuật

Bác sĩ Tiến cho biết, són tiểu hoàn toàn có thể chữa được; để nhanh và hiệu quả, ngoài khám lâm sàng và siêu âm, người bệnh cần được chẩn đoán chính xác bằng cách đo niệu động lực học.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhàn (Trưởng khoa Niệu động lực học BV Grenoble của Pháp) nói: “Từ phương pháp này, bác sĩ xem kết quả hoạt động của bàng quang, cơ vòng niệu đạo và mức độ són tiểu để quyết định có phẫu thuật hay điều trị bằng thuốc hoặc tập luyện tầng sinh môn”.

Theo các chuyên gia về niệu, tùy mức độ són tiểu, có thể điều trị bằng tập luyện như tập tăng cường sức cơ vùng tầng sinh môn, nghĩa là tập co thắt quanh âm đạo và hậu môn; hoặc điều trị bằng thuốc chống són tiểu và phẫu thuật nâng đỡ niệu đạo.

“Đặt dải băng polypropylene tổng hợp dưới niệu đạo sẽ ngăn nước tiểu rỉ ra khi gắng sức. Sau mổ, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Tỷ lệ thành công được công bố hơn 90%”, bác sĩ Tiến nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Nguyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN