Ăn chơi đúng cách để không xuống sức

Sự kiện: Sống khỏe

Tết dương lịch năm nay nghỉ dài nên mọi người có nhiều thời gian tụ tập ăn uống, đi chơi, thức khuya…khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí ốm.

1. Ăn

BS Duy Anh, BV E Hà Nội cho rằng, những ngày nghỉ chơi khuya, ăn uống thất thường, hay uống bia rượu, trà và cà phê nhiều… rất có hại. Vì thế, khi ăn nên cân bằng giữa lượng rau và thịt để dễ tiêu hóa. Tránh uống quá nhiều bia, vang đỏ vì sinh axit uric gây khó chịu, đau nhức các khớp xương, lâu dài có thể dẫn tới gút, viêm khớp xương, mô mềm…

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, trẻ em người già nên có món riêng dễ ăn (như thịt kho trứng, canh rau, sữa chua và thực phẩm dễ tiêu) vừa đủ chất, vừa không chán ăn. Đồ ăn sẵn sẽ giảm bớt gánh nặng nấu nướng, nhưng chú ý mua xúc xích, thịt nguội, dăm bông… phải còn hạn sử dụng dài và mua ở nơi có uy tín. Xúc xích tiệt trùng là các loại thịt tận dụng có trộn bột ăn vào háo nước, không nên dùng cho trẻ em. Thịt nguội, dăm bông có thể hấp ở lò vi sóng trước khi cho trẻ ăn.

Theo BS Ngọc Phái, nguyên BS Viện 103, để nhanh phục hồi sức khỏe, năng lượng và giảm mỏi mệt, nên giữ thói quen ăn sáng no và đầy đủ chất, uống nước nhiều. Nếu ăn nhiều, ăn no sinh khó tiêu, đầy bụng hãy uống nước hãm của hoa cúc cam, hoa artiso, húng tây, thìa là… giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Hoặc dùng túi chườm (khăn bông nhúng vào nước nóng vắt kiệt) đắp lên ngực 30 phút sẽ dễ chịu.

Ăn chơi đúng cách để không xuống sức - 1

Giáng Sinh và Tết dương lịch là cơ hội để bạn nghỉ ngơi nhưng đừng quá đà mà hao tổn sức khỏe. Ảnh: TL.

2. Uống

Cà phê giúp tỉnh táo, nhưng dễ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, rối loạn nội tiết tố. Nếu uống trà, cà phê liên tục sẽ làm người có tiền sử bệnh tim mạch dễ đột quỵ. Hãy uống nhiều nước khoáng, nước tinh khiết, nước ép hoa quả, nước hoa quả lên men để giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt cho cơ thể. Không nên uống nhiều nước ngọt, nước ép trái cây công nghiệp vì nhiều đường, chất bảo quản.

Ăn chơi đúng cách để không xuống sức - 2

Uống nhiều nước khoáng, nước tinh khiết, nước ép hoa quả, nước hoa quả lên men để giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt cho cơ thể.

Trời rét, uống rượu gì cũng nên ngâm vào nước nóng cho ấm, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi. Nên uống một thìa dầu ô-liu, hoặc ăn lót dạ để giảm tác hại của cồn. Tuyệt đối không uống rượu khi đói kẻo axit tăng lên, kết hợp với cồn sẽ dễ say, nôn nao. Không dùng nhiều loại rượu, bia cùng lúc vì dễ bị say. Uống nhiều nước để đào thải cồn qua tiểu tiện nhanh.

3. Ngủ

Theo BS Nguyễn Thị Bình, Khoa thần kinh, Viện Lão khoa TƯ, những ngày nghỉ, ngày lễ nhiều gia đình, đặc biệt là giới trẻ sẽ ăn uống thất thường, chơi thâu đêm suốt sáng. Thức khuya, chơi đêm sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học vốn ngủ đêm thức ngày. Thức khuya, đi chơi nhiều hệ thần kinh giao cảm không được nghỉ ngơi thì những ngày đi làm ngay sau đó đầu óc sẽ trống rỗng, mất tập trung, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu, ù tai… Vì thế cơ thể sẽ mệt mỏi, người có bệnh mãn tính, tim mạch hay bị trở nặng. Phụ nữ còn bị da khô, giảm sức đàn hồi, sạm và không mịn màng.

Do đó những ngày nghỉ lễ vui chơi cũng vẫn cần ngủ lấy lại sức. Ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ hồi phục sức lực nhanh cho ngày làm việc mới.

Nhà có người già những ngày này con cháu về các vụ rất vui nên có thể ăn ngủ thất thường. Nên nhớ với người cao tuổi liều thuốc quý nhất là “ăn ngon, ngủ sâu”, vì thế con cháu cần nhắc các cụ ngủ đúng giờ, nhất là giấc ngủ trưa quan trọng hơn cả tối vì phục hồi sức khỏe nhiều hơn.

4. Chơi

Đi chơi nên ăn mặc thoải mái, dễ chịu, chớ mặc đồ bó hoặc thắt lưng quá chật. Ở miền Bắc trời lạnh, đi đâu cũng nên mang theo áo ấm, khăn mũ dự phòng. Buổi sáng không nên ngủ muộn, bỏ tập thể dục và ăn sáng.

Trẻ em đi chơi dịp này dễ nhiễm lạnh. Do đó không nên cho trẻ chơi quá lâu, quá khuya. Mặc ấm, đội mũ, đeo khẩu trang, mang găng, tất, khăn choàng đầy đủ. Nếu trẻ nhảy mũi, chảy nước mũi, ho, chảy nước mắt, nhức đầu, sốt, phát ban... cần đưa vào chỗ kín gió, làm sạch mũi và giúp trẻ ấm lại hãy về nhà.

Nếu thấy trẻ bị tím tái, bỏ bú, bú ít, không uống được, nôn, ngủ li bì, co giật, sốt cao (trên 39 độ), khó thở (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực), ho quá lâu… nên đưa trẻ đi khám bệnh sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Giang (Giadinh.net)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN