Phụ nữ Việt qua góc nhìn điện ảnh
Những chủ đề muôn thủa như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình... luôn được điện ảnh phản ánh qua lăng kính nghệ thuật một cách chân thực và gần gũi. Dù nói về vấn đề nào của cuộc sống, có một hình tượng mà chắc chắn không một bộ phim nào lại không đề cập tới: hình ảnh người phụ nữ.
Những phụ nữ sau lũy tre làng
Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, nhất là những làng quê Bắc Bộ. Vì thế, vai trò và vị trí của người phụ nữ chốn thôn quê dường như không được coi trọng và cuộc sống của họ hầu như chỉ quẩn quanh sau lũy tre làng.
Hình ảnh chị Dậu lầm lũi đi trong đêm đen ở đoạn kết của phim Chị Dậu đã thể hiện sự bế tắc của một tầng lớp người cùng khổ đương thời, nhất là những người phụ nữ như chị.
Xuyên suốt bộ phim, khán giả chẳng thấy phút giây nào chị Dậu sống cho mình. Suốt một đời chị cam chịu, hy sinh vì chồng vì con, tận tụy vì gia đình.
Hình ảnh phụ nữ Việt Nam vùng thôn quê một thời khốn khổ được tái hiện chân thực và mạnh mẽ. Đó là cái khổ của những người chẳng bao giờ được quyết định cuộc sống của chính mình.
Và có lẽ trong các tác phẩm văn học hay điện ảnh, hiếm thấy người phụ nữ nào dám phá bỏ cái rào cản phong kiến mạnh mẽ như thị Nở. Nhưng thị Nở dám làm trái với lẽ thường vì thị xấu, xấu trái với lẽ thường. Thị chẳng nghĩ đến cái nỗi sợ bị cả làng Vũ Đại đay nghiến, chì chiết hay coi khinh, xa lánh thị bởi từ xưa thị đã bị như thế rồi.
Giả sử, thị là một người phụ nữ bình thường, không cần thị đẹp sắc nước hương trời, chỉ cần thị không xấu tới mức “ma chê quỷ hờn” thôi thì liệu thị có dám liều đến thế? Chắc không đâu, bởi thị sẽ bị hàng trăm thứ lễ giáo gia phong trói buộc thị với cái cuộc đời tam tòng tứ đức, với cái quan niệm nam nữ thụ thụ bất tương thân, với cái suy nghĩ đàn bà con gái thì phải thế này thế nọ.
Nếu không xấu, thị Nở liệu có thể vô tư sống, vô tư yêu như thế?
Có lẽ, Nam Cao cũng không quá tàn nhẫn như nhiều người đã nghĩ khi để cho thị Nở "xấu vô cùng tận" như vậy. Bởi nếu thị cũng giống như bao người phụ nữ Việt Nam cùng thời, cuộc đời thị chắc gì đã vui vẻ và nhẹ nhàng đến thế.
Giống như trong Bến không chồng, cả làng toàn phụ nữ, toàn những người vò võ chờ chồng hay người yêu đi bộ đội. Có người về, có người không nhưng họ vẫn cứ chờ. Không phải chỉ vì tình yêu, cũng không phải chỉ vì nỗi day dứt với người ra đi mà còn vì cái danh, cái tiếng của chính mình. Thế nên, khi Vạn trở về, biết bao ánh mắt khao khát nhìn theo anh nhưng không ai dám tiến xa hơn những lời trêu ghẹo.
Họ sợ cái danh “ở vậy chờ chồng” không còn, họ sợ điều tiếng thiên hạ chê cười, sợ những hủ tục và cái lối suy nghĩ cay nghiệt của làng quê, sợ chính những người đàn bà cũng đang khát khao giống họ.
Người phụ nữ Việt Nam của một thời là thế, không dám vượt qua những rào cản vô hình để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình. Họ tự tìm kiếm niềm an ủi từ những người có nỗi đau giống mình.
Cả đời hy sinh và chịu đựng, cuối cùng Hạnh phải sống trong cảnh cô đơn, nửa điên nửa tỉnh
Hay như nhân vật Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng - một điển hình cho tính cách chịu thương, chịu khó, đức hạnh và dịu dàng của phụ nữ Việt. Và, cô cũng là điển hình cho tính cách dựa dẫm, yếu đuối và cam chịu của phụ nữ Việt.
Vốn là người tôn thờ chồng, hết mực hy sinh vì chồng và sống chỉ biết có chồng nên Hạnh không chịu nổi sự cô đơn và thiếu điểm tựa khi bị phản bội. Bị chồng bỏ rơi, Hạnh đắm chìm trong cơn hoang tưởng với hình nhân và tưởng tượng đó là Ông tướng – người chồng của mình.
Xem phim, khán giả vừa thấy thương lại vừa thấy giận. Thương cho một kiếp người đau khổ và giận cho một lối sống đã đẩy người phụ nữ vào cái kiếp người đau khổ ấy.
Người phụ nữ hiện đại
Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa cũng dần thay đổi, Phụ nữ Việt Nam không còn bị trói buộc trong bốn bức tường với những lễ giáo cổ hủ và cứng nhắc nữa. Trong phim Việt cũng có một cuộc lột xác khi ít thấy hình ảnh những người phụ nữ truyền thống mà thay vào đó, hình ảnh người phụ nữ năng động hơn, trẻ trung hơn và tự chủ hơn.
Những cô gái hiện đại trong Bí mật eva, Quý cô tuổi Dần, Cô dâu đại chiến,… là điển hình cho mẫu người phụ nữ luôn chủ động trong công cuộc kiếm tìm hạnh phúc cho bản thân. Không còn quá dựa dẫm và người chồng hay quá phụ thuộc vào gia đình mà thay vào đó, họ tìm kiếm cho mình những niềm vui bên ngoài xã hội. Họ cũng không bị trói buộc trong tư tưởng buộc phải có một tổ ấm để an phận mà tự do tìm kiếm cho mình tình yêu đích thực.
Ngày nay, hình ảnh người phụ nữ trong phim Việt năng động hơn và tự chủ hơn
Hình ảnh những người phụ nữ thành đạt cũng không còn quá xa lạ trong phim Việt. Vậy nên, một vấn đề nhức nhối được đặt ra trong rất nhiều bộ phim là việc phụ nữ phải lao động trí óc nhiều hơn để làm sao vừa quản lí tốt công việc vừa chăm sóc tốt gia đình như trong Người đàn bà thứ hai, Bí mật eva, Tết cháy osin, Tìm nơi trốn Tết,…
Việc tự do về tư tưởng và độc lập về kinh tế cũng nảy sinh nhiều hệ lụy khi người phụ nữ muốn nhiều thứ hơn, khao khát nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Nhiều người đã không biết điểm dừng và làm rạn vỡ hạnh phúc gia đình như trong Chữ hiếu thời @, Heo may về qua phố,…
Nhìn chung, dù đứng dưới góc độ nào và phản ánh hình ảnh phụ nữ Việt trong thời kỳ nào thì những bộ phim vẫn luôn tôn vinh giá trị tốt đẹp trong tâm hồn những người phụ nữ - một nửa không thể thiếu của thế giới loài người.