Loạn thị trường đồng hồ - Bài 1: Khi hàng fake “lên ngôi”?
Khoác trên mình những thương hiệu cao cấp như: Patek Philippe, Audemars Piguet, Vacheron Constantin, Hublot, Rolex… song chất lượng của những chiếc đồng hồ này có thực sự xứng đáng với tên tuổi của chúng?
Ngang nhiên bán hàng fake?
Rolex, Hublot, Patek Philippe hay Vacheron Constantin - những thương hiệu đồng hồ đeo tay cao cấp trên thế giới, có giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng một chiếc. Thế nhưng, tại Việt Nam, những chiếc đồng hồ xa xỉ được “thèm khát” lại được rao bán tràn lan trên mạng, thậm chí chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là người tiêu dùng đã sở hữu một chiếc đồng hồ có thương hiệu tên tuổi thế giới.
Những sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng có giá “sinh viên”
Dạo quanh một vòng Hà Nội, có thể thấy những cửa hàng kinh doanh đồng hồ mọc lên như “nấm sau mưa”, có lẽ bởi thị trường đồng hồ đeo tay ngày càng phát triển, kèm theo lợi nhuận “khủng” từ mặt hàng này đem lại. Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh một cách lành mạnh, nhiều cửa hàng ngang nhiên bày bán hàng fake (hàng giả hãng) với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.
Nhóm phóng viên Đời sống & Pháp luật đã thực tế tại nhiều cửa hàng đồng hồ ở Hà Nội như: Milolex (80 Đông Các), Pháo đồng hồ (35 ngõ 171 Nguyễn Ngọc Vũ), Phan Gia Luxury (399 Ngọc Lâm), Đồng hồ 6666 (201 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), T-Swatch (4/189 Nguyễn Ngọc Vũ), Đồng hồ đẹp (405 Bạch Mai), Nam Nguyễn – Luxury Vip (15A Mai Hắc Đế), Turbo Watch (219 Nguyễn Ngọc Vũ), Đồng hồ Phố (288 Láng Hạ)…
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn đồng hồ đeo tay để làm quà cho cơ quan, được nhân viên tư vấn nhiều loại đồng hồ cao cấp khác nhau, tuy nhiên điểm chung của những chiếc đồng hồ này đều là “hàng fake” hay còn gọi là “hàng replica”.
Giá của những chiếc đồng hồ fake được các cửa hàng rao bán từ vài triệu cho đến vài trăm triệu. Với mức giá hấp dẫn, kiểu dáng thiết kế tương đồng với đồng hồ chính hãng, những cửa hàng này khiến cuộc cạnh tranh thị trường đồng hồ đeo tay mất cân bằng và những đơn vị kinh doanh hàng chính hãng gặp vô vàn khó khăn.
Nữ nhân viên cho biết không xuất được hóa đơn VAT, bởi đây là đồng hồ giả hãng?
Sau khi lựa chọn được đồng hồ, phóng viên yêu cầu thanh toán và xuất hoá đơn giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, hầu hết nhân viên các cửa hàng đều tỏ ra bối rối và cho biết: “không thể xuất hóa đơn đỏ - VAT”. Nữ nhân viên của cửa hàng T-Swatch (số 4/189 Nguyễn Ngọc Vũ), thừa nhận: “Bên em không xuất được hóa đơn đỏ, hàng fake mà xuất hóa đơn đỏ dễ bị đi tù lắm”!?
Nhân viên cửa hàng Đồng hồ 6666 (201 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết, cửa hàng chỉ xuất được hóa đơn bán hàng thông thường chứ không thể xuất được VAT.
Tại cửa hàng Phan Gia Luxury, một nam nhân viên thừa nhận, dù không thể xuất hóa đơn VAT cho sản phẩm đồng hồ tại cửa hàng, nhưng có thể “chế hóa đơn” nếu khách hàng yêu cầu.
Đồng hồ “hàng hiệu” nhưng đựng trong túi nylon và khách hàng cần bao nhiêu cửa hàng cũng đáp ứng đủ (Ảnh cắt từ clip)
Dấu hiệu bán hàng giả, trốn thuế?
Trao đổi với Luật sư Việt Vương - Công ty luật AMI cho biết, theo quy định tại điểm đ, e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hàng giả gồm: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hoá của thương nhân khác.
Do vậy, trường hợp nếu các cơ quan có thẩm quyền xác minh được những chiếc đồng hồ được kinh doanh tại các cửa hiệu là hàng giả theo quy định nêu trên, tuỳ theo mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự”.
Nhân viên cửa hàng cho biết, đồng hồ fake hiện nay có độ tinh xảo cao được “nhái” rất tinh vi, rất khó để phân biệt thật - giả. (Ảnh cắt từ clip)
Theo Luật sư Vương, tình trạng hàng giả hàng nhái ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp; trong đó có hành vi làm giả, nhái các nhãn hiệu lớn trên thị trường nhằm trục lợi bất chính. Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về hành vi buôn bán hàng giả của các cơ sở kinh doanh, có thể bị phạt số tiền lên đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ răn đe tất cả các đối tượng làm ăn phi pháp, tạo sự tin tưởng của nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với hệ thống pháp luật nhà nước.
Việc không xuất hóa đơn đỏ (VAT) của các cửa hàng kinh doanh cho thấy các sản phẩm này có dấu hiệu trốn thuế, không rõ nguồn gốc xuất xứ
“Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện các cửa hàng không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, nếu các cơ sở kinh doanh có hành vi trốn thuế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với số tiền phạt có thể lên đến 10.000.000.000 đồng, đồng thời, các cơ sở này còn thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, Luật sư Vương nhận định.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng đồng hồ “fake”, nói đúng hơn là buôn lậu, hàng cấm tràn lan thị trường, các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan cần sớm vào cuộc, có biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe và giải quyết dứt điểm tình trạng này, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhờ tính năng định vị GPS, ngày càng nhiều phụ huynh trang bị đồng hồ thông minh cho con để kịp thời cập nhật lộ trình...