Dự thảo "cảnh nóng 5 giây": Phản cảm 1 giây cũng thừa
Quy định về cảnh nóng trong phim đã làm nhiều đạo diễn, diễn viên tranh cãi gay gắt.
Tại Hội thảo “Góp ý xây dựng Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim...” của cục Điện ảnh cuối tháng 9 vừa qua, phụ lục Tiêu chí phân loại khán giả theo độ tuổi, những vấn đề tình dục, bạo lực, ngôn ngữ dùng trong phim ảnh đã được bàn thảo, mổ xẻ, đặc biệt, quy định về cảnh nóng trong phim không quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần đã làm nhiều đạo diễn, diễn viên tranh cãi gay gắt. Có người cho rằng, đây là quy định cứng nhắc, nên xem lại...
Liệu có máy móc?
Theo đó, việc dán nhãn phim theo độ tuổi được nhiều người bàn đến. Đây là điều cả giới làm phim cũng như khán giả chờ đợi vì việc phân loại phim lâu nay ngoài dành cho mọi đối tượng thì chỉ có dạng phim bị dán nhãn 16+. Cách làm này được giới chuyên môn đánh giá là đã rất lạc hậu khi không phân loại được chính xác đối tượng khán giả đến rạp.
Trong khi ở các nước có nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là Mỹ, có tới 5 cấp phân loại. Chính vì vậy, tham khảo từ Singapore, cục Điện ảnh đưa ra 4 cấp độ phân loại (trong dự thảo đang lấy ý kiến rộng rãi) được cho là khá phù hợp với thị trường Việt Nam. Đó là P (phim dành cho mọi lứa tuổi), C13 (phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi), C16 (phim không dành cho người dưới 16 tuổi), C18 (phim cấm khán giả dưới 18 tuổi). Như vậy, sắp tới những bộ phim “nặng đô” hơn sẽ bị gắn mác 18+.
Tuy nhiên, theo dự thảo, những bộ phim cấm khán giả dưới 18 tuổi vẫn bị ràng buộc bởi quy định cảnh nóng, hình ảnh khỏa thân xuất hiện trên phim không quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần. Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định cứng nhắc bởi áp dụng một cách cơ học như vậy có thể ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm.
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: “Như vậy là cứng nhắc và... vớ vẩn. Không ai quy định về thời gian cảnh nóng theo kiểu cơ học như vậy. Bởi nếu cấm cảnh nóng không quá 5 giây thì người ta có thể để cảnh đó kéo dài 4,5 giây, chuyển cảnh rồi lại tiếp tục xuất hiện từ đầu đến cuối phim thì sao? Không thể quy định cụ thể cho mỗi bộ phim chỉ có bao nhiêu cảnh, nếu đã gắn mác phân loại phim rồi thì kiểm duyệt để làm gì?”.
Ảnh minh họa
Trả lời câu hỏi, nếu một bộ phim đã bị dán nhãn 18+ thì liệu những cảnh nóng trong phim có bị cắt thô bạo như một số bộ phim ngoại chiếu rạp hay không, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho rằng: “Cho dù đã dán nhãn phân loại phim thì chúng đều chịu sự tác động của Điều 11, luật Điện ảnh cũng như Nghị định 54 về những hành vi bị cấm trong phim ảnh. Nếu dự thảo mới này được áp dụng thì không có nghĩa nó sẽ phủ nhận luật Điện ảnh cũng như Nghị định 54. Do vậy, ngay cả những phim đã bị dán nhãn 18+ thì chúng vẫn hoàn toàn có thể bị cắt bỏ những cảnh không phù hợp...”.
Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, nếu trước kia phần lớn phim Việt Nam đều thuộc diện phổ biến rộng rãi, thì đến năm 2014, ghi nhận có khoảng 13 phim được dán nhãn 16+. Hiện tượng này cho thấy nhu cầu sản xuất điện ảnh đã khác trước, đòi hỏi các quy định cũng phải thay đổi, phù hợp xu thế chung.
Cản trở sáng tạo của nghệ sỹ?
NSƯT Minh Hà cho biết, năm 2014, bộ phim “Tình dục là chuyện nhỏ” nhập về được Đài truyền hình Việt Nam tự dán nhãn 18+, tuy nhiên, theo quy định về thẩm định và cấp phép phổ biến phim tại Việt Nam thời điểm đó mới chỉ có quy định mức tuổi trên, dưới 16 tuổi. Vì vậy, sau đó bộ phim bị yêu cầu ngừng phát sóng. Điều đó cho thấy những quy định về hình ảnh nhạy cảm sẽ làm cho người xem không được thưởng thức những tác phẩm hay. Mặt khác, sản xuất điện ảnh ngày càng đa dạng, các quy định thô sơ, cứng nhắc sẽ không chỉ làm khó nhà quản lý mà còn cản trở sự sáng tạo của nghệ sỹ...
Nói về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Tại sao lại là 5 giây mà không phải là 6 giây hay 4 giây? Điều này quá khiên cưỡng. Nếu cảnh nóng mà phản cảm thì 1 giây cũng là quá dài, còn nếu là nghệ thuật thì 5 giây vẫn còn ngắn. Ví dụ, quy định nụ hôn không quá 3 giây, đạo diễn cho nhân vật hôn đến 2 giây 59 thì dừng, rồi có những hành động, cử chỉ âu yếm, sau đó mới lại hôn tiếp 2 giây 59 nữa, cứ lặp đi lặp lại. Như vậy, quy định thời lượng thì sẽ chỉ tạo thêm kẽ hở để các đạo diễn lách. Việc phân định đẹp hay xấu, nghệ thuật hay phản cảm ở đây đã có Hội đồng duyệt rồi. Do đó không nên bó buộc vào một khung thời gian”.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc công ty phim Studio cũng bộc bạch: “Nếu những cảnh đó phù hợp với nội dung thì không nên hạn chế bởi thời gian, sáng tạo nghệ thuật mà lại đưa vào định lượng số lần thì vô cùng khó. Tôi lấy ví dụ về những cảnh nóng trong bộ phim “Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Những cảnh ân ái của vợ chồng trong phim cho người ta thấy họ vẫn yêu thương nhau dù gặp rất nhiều khó khăn, đó là những điều tạo nên cuộc sống. Nếu cảnh quay kéo dài 5 giây rưỡi thì sao, chẳng lẽ cũng phải cắt đủ 5 giây chính xác như số học?”.
Đạo diễn Đào Duy Phúc – người nổi tiếng với bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cho biết: “Khi đưa ra những quy định, dự thảo thì trước hết chúng ta cần tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về cảnh nóng 5 giây, cũng nên xem nước ngoài họ đã từng làm như thế nào, có thành công hay không để có kinh nghiệm làm theo. Theo tôi nghĩ, mỗi nhà làm phim đều có cách làm riêng của mình để “chế biến” làm sao cho 5 giây, 3 lần nó không trở thành quá khô trong một bộ phim thì hợp lý.
Nhiều đạo diễn cũng tự tin cho rằng, nếu đặt ra những quy định như vậy cũng không thể giết chết phim thị trường hay “kìm” sự phát triển của phim 18+, bởi có rất nhiều cách để hấp dẫn khán giả, không cần phải xem cảnh nóng mà vẫn có thể cuốn hút, lôi kéo người xem.
Rất nhiều bộ phim vẫn thành công mà không cần cảnh nóng. Đặt cái điểm đó đúng vào cấu trúc, mạch phim thì nó sẽ có giá trị, nếu không thì 5 giây hay đến 10 giây cũng vứt đi. Nếu không đúng thì cảnh nóng chỉ là “khoe” và câu khách mà thôi. Nhưng nếu có quy định cảnh nóng 5 giây, chỉ được 3 lần trong một bộ phim thì cũng cần phải có trường hợp, tuỳ câu chuyện cụ thể để không bị “trói buộc”, tạo điều kiện cho các nhà làm phim thực hiện được ý tưởng, cảm hứng của mình”.
NSƯT Minh Châu – người từng đóng cảnh nóng trong phim “Cô gái trên sông” chia sẻ: “Theo tôi, làm cái gì cũng phải cặn kẽ, đến nơi, đến chốn. Thực ra, ở nước mình để làm ra một bộ phim cho khán giả cảm nhận được hết cảm xúc là sự logic, đôi khi cũng phải có những cảnh nóng. Không nên quy định là chỉ được chiếu cảnh nóng 3 phút hay 5 phút, có những bộ phim tôi từng được xem, toàn thời gian chiếu phim đều có những cảnh nóng nhưng người ta không cảm thấy nóng một chút nào. Vì nhiều đạo diễn chỉ coi cảnh nóng là yếu tố phụ, nhưng không có thì bộ phim sẽ rất khó để hoàn thành. Tôi nghĩ rằng, việc đánh giá phim có cảnh nóng hay không cũng cần làm rõ, thế nào là cảnh nóng trên phim.
Tôi có được xem bộ phim “Ánh sáng đẹp” của Ba Lan và thấy rằng, phim có nhiều cảnh nude của một cô gái, nhưng người xem không thấy phản cảm. Chúng ta không nên bó buộc vào một quy định như vậy trong phim nghệ thuật. Mọi thứ đều do quan niệm mà ra, như một bộ quần áo, có người mặc thì cho rằng đẹp, nhưng người khác mặc vào lại bảo là hở, là khiêu dâm".
Diễn viên trẻ Mai Quỳnh cho biết: “Quy định thời gian chiếu cảnh nóng trong phim khiến cho cả đạo diễn và ê-kíp khó xử. Trước hết, nghệ thuật là những phút thăng hoa, quy định cứng nhắc như vậy khó cho cả đoàn làm phim. Tôi cho rằng, những hình ảnh trong phim nằm trong chuẩn văn hoá, tư duy của người Việt là được, việc quy định hình ảnh như vậy chính là “gọng kìm” bóp chết những sáng tạo nghệ thuật...”.
Ngày 18/9, cục Điện ảnh tổ chức Hội thảo “Góp ý xây dựng Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 9/7/2008 của bộ VH,TT&DL”. Có thể coi đây là vòng góp ý chung kết, chuẩn bị cho sự ra đời bộ tiêu chí phân loại phim mới.