Ô tô nội bị đè bẹp trên sân nhà

Thời hạn áp dụng thuế nhập khẩu một số dòng ô tô nguyên chiếc về 0% đang đến gần khiến ngành ô tô trong nước có nguy cơ bị đè bẹp bởi làn sóng nhập ngoại

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi năm 2014 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một trong những mặt hàng giảm thuế khá mạnh là ô tô.

Ô tô nội bị đè bẹp trên sân nhà - 1

Lắp ráp ô tô tại Công ty Ford Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh

Cắt dần bảo hộ

Nhiều dòng thuế của nhóm hàng ô tô đã và sẽ được cắt giảm theo lộ trình từ 7-12 năm. Cụ thể, các loại xe chở người có dung tích xi-lanh từ 2.5 trở lên, thuế suất sẽ giảm từ 74% hiện nay xuống 70% vào năm 2014; tiếp theo sẽ giảm xuống 52% vào năm 2019. Xe 2 cầu sẽ giảm từ 90% xuống 47% vào năm 2017.

Giảm thuế nhanh và mạnh mẽ hơn là lộ trình thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Theo AFTA, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm xuống mức 40% ngay từ năm 2014, năm 2015 giảm tiếp còn 35%, năm 2016 giảm xuống 20% và về mức 0% từ năm 2018.

Tuy nhiên, để bảo vệ, phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ nay đến 2020, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính một lộ trình giảm thuế khác. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất năm 2014 giảm thuế xuống còn 50% và duy trì mức thuế đó trong cả năm 2015; đến năm 2016 còn 40%, năm 2017 còn 30% và năm 2018 còn 0%.

Như vậy, đến năm 2014, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc khu vực ASEAN về Việt Nam dự kiến giảm còn 50%. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước lo lắng bởi khi đó giá thành một số mẫu sẽ nhập khẩu bằng giá của xe lắp ráp trong nước và cạnh tranh với xe trong nước.

Còn theo giới hoạch định chính sách thuế, khi Việt Nam gia nhập WTO thì chúng ta đã thực hiện cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Do đó, việc bảo hộ cho DN sản xuất trong nước không thể tồn tại mà DN nội địa cần có chiến lược, bước đi để thích nghi với điều này.

Sẽ nhập khẩu, thôi lắp ráp

Qua gần 10 năm thực hiện quy hoạch, ngành công nghiệp ô tô mới đạt được tỉ lệ nội địa hóa ở mức thấp: 7%-10% đối với xe con và 35%-40% đối với xe tải nhẹ. Trong khi đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2010, tỉ lệ nội địa hóa các loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) phải đạt 60%. Ngành công nghiệp phụ trợ cũng không khá hơn. Đến nay, có khoảng 210 DN tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nhưng chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ, chỉ sản xuất được một ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, sản phẩm nhựa, ắc-quy, đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Thực tế, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khu vực ASEAN khoảng 20% do hầu hết dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động 50% công suất.

Do vậy, các chuyên gia kinh tế đánh giá lộ trình giảm thuế theo cam kết hội nhập sẽ khiến các DN nội địa bị áp lực rất lớn do vốn đã kém “sức đề kháng”.

Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải, lo lắng: “Người tiêu dùng Việt Nam đang kỳ vọng sau năm 2018 sẽ mua được xe giá rẻ vì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0%. Do không cạnh tranh được, DN trong nước sẽ chuyển thành những nhà nhập khẩu, khi đó ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không biết đi về đâu. Các DN hiện chỉ biết trông chờ vào bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ có những chính sách ưu đãi với DN trong nước”.

Ở góc độ chuyên gia, nhiều dự báo lạc quan hơn cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới xu hướng các nhà lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước phải tìm cách giảm giá để cạnh tranh hoặc chuyển sang nhập khẩu; có thể tập trung vào lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Tuy vậy, cái khó được đại diện Bộ Công Thương chỉ ra là hiện thị trường đang bị chia nhỏ, sản lượng mỗi dòng xe không thể đủ đáp ứng cho hoạt động đầu tư có hiệu quả. Do đó, DN không dễ xoay xở để sống bằng con đường sản xuất, lắp ráp trong bối cảnh hiện nay mà nhiều khả năng sẽ từ bỏ ngành này và chuyển sang nhập khẩu.

Loay hoay dòng xe chiến lược

Để cứu vãn tình trạng này, ông Phạm Văn Tài ủng hộ phát triển dòng xe chiến lược, tạo ra sản lượng lớn, giá rẻ do giảm thuế. “Nguyên lý của nội địa hóa là đủ sản lượng mới đầu tư. Nếu tăng nội địa hóa thì giảm nhập khẩu, làm ra được dòng xe chiến lược thì không chỉ giúp người tiêu dùng  mua xe giá rẻ mà còn thúc đẩy trình độ, năng  lực của các kỹ sư ô tô” - ông Tài nêu quan điểm.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Jesus Metelo Arias, cho rằng không nên giới hạn dòng xe chiến lược. “Việt Nam dường như đang muốn mở rộng dòng xe nhỏ và xác định đây là hướng đi của mình. Trước Việt Nam đã có Thái Lan và Indonesia cạnh tranh sản xuất dòng xe này, nếu Việt Nam cũng đi theo thì sẽ khó cạnh tranh. Quan điểm của chúng tôi là không nên giới hạn dòng xe nào mà để tự DN quyết định trên cơ sở điều tiết của thị trường” - ông Jesus Metelo Arias phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương, nếu không định hình dòng xe chiến lược thì sẽ không tập trung hỗ trợ được. Ông Giám cho rằng cần quan tâm ưu đãi cho nhà sản xuất để kích thích tiêu dùng thông qua giá cả. Trong khi nguồn lực không đủ thì không đầu tư dàn trải mà nên ưu đãi phân khúc phát triển tốt, không ưu đãi cả ngành công nghiệp ô tô.

Điều đáng nói là hiện nay Bộ Công Thương vẫn chưa nêu ra tiêu chí cho dòng xe chiến lược do nhiều tiêu chuẩn các DN chưa thể đáp ứng được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung - Tô Hà (NLĐ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN