Thủy đài (đài nước) nằm trong khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), quận 3, TP.HCM được người Pháp xây dựng vào năm 1886. Đây là một trong hai thuỷ đài cổ xưa nhất của Sài Gòn và Đông Dương. Thuỷ đài đầu tiên được xây dựng tại vị trí hồ Con Rùa trong giai đoạn 1878 - 1880 và bị đập bỏ năm 1921.

Công trình có tuổi đời 136 năm này là một đài chứa nước thuộc hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thuỷ đài cũng là một trong những di tích kiến trúc cổ của người Pháp còn lưu lại tại TP.HCM, cùng với các biểu tượng hơn 100 năm như chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Thảo Cầm viên, Trụ sở UBND TPHCM, Nhà hát TP…

Thủy đài được thiết kế 3 tầng theo hình oval, dài hơn 20m, cao khoảng 25m, phía trên là hai bồn nước bằng thép, hình tròn màu đen.

Một trong những lối vào bên trong được mở tại mặt trước khuôn viên công ty Sawaco. Tường bao quanh đài nước được xây dựng có độ dày từ 1,6 - 2m làm nhiệm vụ chịu lực cho hai bể nước khổng lồ, đồng thời tạo nên hình ảnh như một pháo đài thời trung cổ.

Bên ngoài đài nước này được thiết kế hàng loạt cửa chính, cửa sổ, có khoảng 20 lỗ thông gió, ánh sáng được chạm khắc hoa văn. Trong đó có 5 lỗ lắp quạt, chủ yếu ở mặt sau của công trình với thiết kế nhỏ.

Hệ thống dây điện, sứ cách điện và đèn của thế kỷ trước xung quanh thuỷ đài được giữ nguyên, vẫn hoạt động chiếu sáng. Phần nền móng của thủy đài được xây dựng bởi các tầng đá hoa cương bền chắc, vẫn còn lưu giữ theo dấu tích thời gian.

Di chuyển vào giữa hai kết cấu đỡ bể nước là lối lên tầng 1, tầng đặt bồn chứa với cầu thang bằng sắt sơn đen, kết hợp với gỗ hình zigzag rộng khoảng 30-60cm.

Bên trong tầng 1 là hai không gian trống giống nhau, nơi được thiết kế các kết cấu khung thép sơn đen nhằm tạo độ vững chắc cho tường. Đồng thời cố định các ống dẫn nước bằng thép gắn với bể nước.

Đáy bể nước có kết cấu đáy vòm với những tấm thép dày được tán đinh dày đặc. Trải qua hơn 100 năm nhưng hình dáng, chi tiết lớn nhỏ của kết cấu đặc biệt này vẫn còn nguyên vẹn. Đây là kết cấu không nhiều người được trực tiếp chứng kiến trong quá trình tồn tại của di tích thuỷ đài này.

Phần trên cùng của thuỷ đài cổ này là hạng mục quan trọng với 2 bồn nước hình tròn, mỗi bồn có đường kính hàng chục mét, sức chứa 1.000 -1.500m3 nước. Khi thuỷ đài còn hoạt động, vào mùa mưa, nước từ các giếng sẽ chảy về giếng trung tâm, mùa khô thì phải dùng máy bơm. Từ giếng trung tâm, nước sẽ được xử lý rồi bơm lên hồ chứa tạo áp lực để đẩy nước về lại các hộ dân.

Các bồn nước này được làm bằng thép không gỉ được ghép lại từ những tấm thép, cao 9m, phía trên có mái che.

Toàn bộ kết cấu của bồn nước từ khung, những tấm thép đều được sử dụng phương pháp đinh tán nung đỏ, một kỹ thuật phổ biến thời kỳ đó.

Ngoài kết cấu chính là bồn nước, hệ thống đường ống nước bằng thép, lan can, bảng điện tầng trên cùng của thuỷ đài phần lớn vẫn còn nguyên ven.

Lối lên các bể nước là một thang sắt cao tương ứng bể, phần lưới thép phía trên cho công nhân di chuyển hiện đã bị hư hỏng.

Hệ thống ống bơm dẫn nước được lắp đặt ngầm dưới tầng trệt thuỷ đài. Ngay từ buổi đầu được xây dựng, những thủy đài đóng vai trò lớn trong việc điều tiết và cung cấp nước cho người dân Sài Gòn xưa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự tiến bộ ngày càng tăng của kỹ thuật, công nghệ xử lý nước, thủy đài này cũng dừng hoạt động vào khoảng năm 1930 - 1940, sau đó được dùng làm hệ thống cấp nước dự phòng trong trường hợp Sài Gòn thiếu nước.

Sau một thời gian thực hiện “sứ mệnh” của mình, năm 1965, đài nước ngừng hoạt động cho đến nay. Toàn bộ tầng trệt và tầng 1 thuỷ đài cổ đang để trống, có một thời gian được Sawaco dùng làm việc và lưu trữ hồ sơ. Năm 2014, thủy đài đã được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Tầng trệt thủy đài hiện đang được Sawaco dùng làm phòng thuyền thống sau khi tu bổ. Hệ thống dẫn nước lên xuống, van khoá nằm dưới nền tầng trệt được lắp kính cho khách tham quan.

Phòng trưng bày 218 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về ngành cấp nước thành phố qua các thời kỳ từ 1880 đến nay, cùng với việc giới thiệu các công nghệ, thiết bị, vật tư ngành nước hiện đại hiện nay.