T

rong một con ngõ nhỏ, sâu hun hút trên đường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội), hằng ngày vẫn vang lên tiếng cười đùa, tiếng đánh vần học chữ, tiếng khóc của trẻ nhỏ… Những âm thanh hỗn tạp ấy xuất phát từ các lớp học tại trung tâm Hy Vọng của bà Đỗ Thúy Nga.

Ở tuổi 80, trong khi nhiều người đã nghỉ hưu và quây quần bên gia đình thì bà Nga lại chọn cho mình một lối đi riêng. Hằng ngày, bà một mình lẫm lũi bắt xe ôm từ nhà trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) sang trung tâm để gieo hy vọng cho những đứa trẻ tự kỷ, down, di chứng viêm màng não… như đúng cái tên của trung tâm mà bà đặt ra từ đầu.

Tôi gặp bà trong một phòng làm việc nhỏ trên tầng 4 của ngôi nhà 5 tầng. Quanh phòng chất đầy những cuốn sách về dạy dỗ trẻ tự kỷ, chậm phát triển… Trên tường treo những tấm ảnh kỷ niệm về quá trình hình thành và phát triển của trung tâm Hy Vọng.

Tôi bất ngờ vì một người phụ nữ tuổi đã cao, dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bắt đầu ngả bạc… nhưng hằng ngày vẫn đi lại nhiều nơi và leo 4 tầng cầu thang để làm việc. Tôi hỏi bà bí quyết. Bà cười đáp: “Bí quyết là yêu thương con trẻ là sẽ vượt qua được hết anh ạ”. Giọng bà nhỏ nhẹ nhưng đầy ấm áp.

 

Con đường mang yêu thương, kiến thức đến với trẻ của bà Nga gập ghềnh và chông gai hơn rất nhiều so với những thầy cô giáo, người làm giáo dục bình thường.

Bà xuất phát điểm không phải một nhà giáo, mà là một bác sĩ nhi khoa. Năm 1966, bà tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội và về công tác tại một bệnh viện tại huyện Thạch Thất. Sau 12 năm công tác tại đây, bà được phân công về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi tiếp tục được luân chuyển làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội).

Suốt quá trình công tác từ ngành y sang ngành giáo dục đều để lại cho bà Nga những trăn trở, day dứt khiến bà cảm thấy lúc nào cũng “nợ đời” một thứ gì đó.

#

“Hơn 10 năm làm bác sĩ lâm sàng, tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ bị viêm màng não. Nhiều gia đình bán hết tài sản để chữa trị cho con, hết rất nhiều tiền nhưng ôm vào lòng là những đứa con không lành lặn… Tôi cảm thấy trách nhiệm của người bác sĩ như thế là chưa tròn.

Sau này, khi chuyển sang làm giáo dục, tôi lại chứng kiến những đứa trẻ ngồi nhầm lớp. Chúng ngờ nghệch, chậm phát triển, học lớp 4-5 nhưng vẫn ê a, đọc viết chưa thạo, lúc nào cũng ngồi ở cuối lớp, phải có người kèm. Những điều đó khiến tôi day dứt”, bà Nga chia sẻ.

Lúc mới về hưu (năm 1998), bà Nga định thực hiện kế hoạch đi nước ngoài làm chuyên gia. Sau lại có lời mời về làm bác sĩ tại Bệnh viện Việt Pháp với mức lương 3 triệu đồng/tháng, gấp 5 lần lương hưu của bà khi ấy. Bà suy nghĩ rất nhiều về vấn đề cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, hình ảnh những em bé ngây ngô, ngờ nghệch, không phản ứng với giao tiếp… cứ quẩn quanh trong đầu bà mãi không dứt ra được.

“Những em bé kia giờ đã biết đọc, biết viết chưa? Các em còn đi học hay đã nghỉ rồi? Các em có được quan tâm, chăm sóc không? Tương lại các em rồi sẽ ra sao? … Hàng tá câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu bà Nga. Thế rồi, bà quyết định bỏ hết mọi dự định để chuyển sang “trả nợ đời”.  

Năm 2002, bà Nga lặn lội khắp nơi ở Hà Nội tìm thuê nhà để mở trung tâm. Thấy mẹ vất vả mà mãi không tìm được, cô con gái bà đã cho mẹ “mượn” mảnh đất rộng 60m2 để cất lên trung tâm Hy Vọng của ngày nay.

Bà Nga đi gom nhặt ở các trường, rồi tuyển sinh những trẻ bị tự kỷ, Down, viêm màng não, chậm phát triển… về trung tâm để nuôi dạy. Bà cũng cất công tuyển sinh những giáo viên tâm huyết để chăm sóc, dạy dỗ cho các bé.

Bà bảo, nói bằng lời không thể tả hết được sự khó khăn, vất vả thời kỳ đầu khi một mình bà gây dựng lên trung tâm. Từ việc xin cấp phép mở trung tâm; tìm đất, tìm nhà để mở lớp; tuyển học sinh, giáo viên; lập giáo án… một mình bà ôm trọn. Thế nhưng, nhìn vào những thành công hiện tại của trung tâm, bà luôn mỉm cười vì biết bản thân đã làm được một việc có ích cho xã hội.

60-70% trẻ ở trung tâm hiện nay là trẻ tự kỷ, còn lại là các trẻ bị Down, di chứng viêm màng não… Lúc đông nhất, trung tâm có 70 học sinh và giáo viên là 20 người; còn hiện tại, sĩ số học sinh là trên 50 và giáo viên là 15. Trải qua 20 năm hoạt động, đây chính là ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều em nhỏ và giáo viên.

“Có những giáo viên theo tôi từ khi thành lập trung tâm đến nay. Họ bảo chỉ cần được ăn một bữa cơm trưa ở trung tâm cũng được. Đó là nguồn động lực lớn lao để tôi tiếp tục.

Hay có những trẻ khi đến trung tâm không có ngôn ngữ, không bật được âm ra, phải can thiệp rất nhiều. Sau đó, con bật ra được một âm đơn, đối với chúng tôi thế cũng là rất vui mừng”, bà Nga nói.

 

Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh có con em mắc bệnh từ các tỉnh xa xôi như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh hay Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… tìm đến trung tâm Hy Vọng để nhờ bà Nga và các cô giáo can thiệp.

Học phí ở trung tâm rất thấp, theo lời bà Nga “chỉ đủ cho giáo viên một bữa cơm”. Thế nhưng đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm sẵn sàng giảm học phí 30-70% chỉ để mong các bé thành người.

Không phải ngẫu nhiên mà bà Nga làm vậy. Bà biết, có những gia đình ở xa mang con đến Hà Nội học tại trung tâm. Họ phải thuê trọ, hằng ngày mưu sinh bằng đủ thứ nghề để bám trụ Thủ đô cho con ăn học.

Trung tâm có diện tích nhỏ nên không nhận nội trú mà chỉ bán trú, ăn một bữa cơm trưa tại trung tâm. Hằng ngày, các trẻ đến trung tâm lúc 7h30 sáng; 16h các bé về trong vòng tay bố mẹ, gia đình.

Bà Nga phân trẻ theo độ tuổi và theo những dạng khuyết tật khác nhau để sắp xếp vào một lớp. Những giáo án được lên bài bản từ cách dạy trẻ học phát âm, dạy văn hóa, dạy kỹ năng tự phục vụ bản thân…

“Tôi sẽ cùng với các giáo viên lên giáo án, mỗi trẻ sẽ có một giáo án riêng và mỗi tháng sẽ có một phiếu đánh giá của giáo viên để xem sự thay đổi của học sinh như thế nào, từ đó sẽ tiếp tục có những điều chỉnh để hoàn thiện tốt nhất cho trẻ”, bà Nga cho hay.

Câu chuyện của tôi và bà Nga bị ngắt quãng vì bà liên tục có những cuộc điện thoại. Một đoàn sinh viên tình nguyện của Nghệ An muốn đến trao quà cho những học sinh tại đây, bà Nga cảm ơn. Một nhóm sinh viên trường báo chí muốn đến làm bài tập, bà Nga cũng đồng ý…

Bà bảo, niềm vui của bà là được tất cả mọi người và cộng đồng cùng đồng hành. Bà luôn sẵn sàng đón nhận, đón tiếp tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, cao thấp.

Vừa cúp điện thoại, bà Nga kể tiếp, dạy trẻ bình thường đã khó 1 thì dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật còn khó gấp 10-15 lần.

“Trẻ có những hành vi tự phát kỳ quái, người ngoài nhìn vào coi như đứa bé bị loạn thần. Trẻ tự đập đầu vào tường, tự cắn vào tay, tự bẻ răng, tự ăn ngón tay đến toét ra, tự cào cấu vào mặt mình, thậm chí tìm người thân và các cô giáo để cào cấu...

Thế nhưng, tôi luôn truyền đạt cho các cô giáo phương châm dạy là phải yêu thương, chia sẻ, cảm thông với trẻ. Lắng nghe, gần gũi trẻ hơn. Những lúc trẻ có biểu hiện như vậy, hãy ôm lấy trẻ, xoa đầu, mát xa cho trẻ, lấy khăn mát lau người cho trẻ để trẻ giảm bớt cơn kích động của mình đi.

Tuyệt đối không được đánh trẻ, thậm chí không được dùng những lời lẽ xúc phạm đến tâm hồn của đứa trẻ. Tôi quan niệm rằng, một đứa trẻ bị tổn thương về tâm hồn nặng nề hơn tổn thương về thể xác. Do đó luôn phải lắng nghe trẻ, yêu thương trẻ”, bà Nga tâm sự.

 

Và quả thực, bằng tình yêu thương của bà Nga và các cô giáo, nhiều trẻ từ những em bé ngờ nghệch đã bắt đầu phát âm được, viết được những nét chữ đầu đời. Nhiều trẻ có khả năng tự phục vụ được bản thân.

Sau hơn 20 năm hoạt động, bà Nga ước tính có khoảng 30-40 trẻ đã “tốt nghiệp” trung tâm, đã tự phục vụ bản thân và tự kiếm sống được. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng chính là đích đến của bà từ khi mở trung tâm.

Chị Nguyễn Hà Phương – một phụ huynh học sinh cho hay, các cô giáo ở trung tâm rất nhiệt tình và tâm huyết với các con. Còn bà tuy lớn tuổi nhưng luôn tận tụy và yêu thương các cháu.

“Con tôi học ở trung tâm được mấy tháng nhưng tiến bộ rất nhiều. Con đã có một số khả năng tự chăm sóc được bản thân, khác hẳn so với thời điểm trước khi đến với trung tâm”, chị Phương nói.

Suốt quá trình công tác của mình, một kỷ niệm bà Nga nhớ nhất đó là với cậu bé Đỗ Anh Phong (SN 1999, Hà Nội). Phong bị chứng rối loạn ngôn ngữ, nói gì không biết, ai bảo nói gì không hay. 3 tuổi, Phong đến trung tâm học. Sau 3 năm, Phong đã chỉnh được lời nói và ý thức được mình nói gì.

“Ngày Phong ý thức được lời nói, tự cất tiếng gọi “mẹ”. Mẹ bé đã trào nước mắt, cả tôi và các cô giáo cũng òa khóc theo. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời. Giờ Phong đang làm lễ tân cho một khách sạn của gia đình”, bà Nga chia sẻ.

Những đứa trẻ ra ngoài đi làm, thi thoảng vẫn gọi điện đến trung tâm hỏi thăm tình hình của bà và các cô giáo. Ngày lễ như 20/11 hay 8/3… các trẻ không quên mang hoa đến chúc mừng các cô. Hạnh phúc với bà Nga chỉ đơn giản thế thôi.

Ở tuổi xế chiều, bà Nga tâm niệm, giữ sức khỏe là điều quan trọng nhất vì phải có sức khỏe thì bà mới có thể yêu thương và chăm sóc người khác. Hằng ngày, bà dành ra 1 tiếng để luyện tập yoga.

“Tôi vẫn sẽ cố gắng làm đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Để duy trì và giữ vững chất lượng nuôi dạy của trung tâm, tôi đã bồi dưỡng những giáo viên ở đây để làm nòng cốt chính đảm nhận những công việc này.

Về phía gia đình, con gái đầu lòng của tôi chuẩn bị về hưu. Sau khi về hưu, chị ấy sẽ tiếp quản công việc của tôi khi tôi không thể làm được nữa”, bà Nga tâm sự.

Bà Nga cũng tiết lộ một tin vui, nhân dịp 20/11 sắp tới, bà được một hãng sơn mời đến trao giải thưởng “Sống đẹp”. Năm 2022, bà cũng vinh dự được tuyên dương là 1 trong 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.

Ngoài ra, trong suốt quá trình hoạt động, công tác, bà nhận được rất nhiều giấy khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam, của Ban Chấp hành trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Gần đây nhất, bà đã được Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen.

Nội dung: Ngọc San

Media: Nguyễn Lý