Khi con dâu báo tin đã mang thai, căn nhà nhỏ của bà tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, gia đình bà lại một lần nữa hứng chịu nỗi đau vô tận.

N

hiều năm nay, người dân quanh khu vực phố Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ trên 60 tuổi thường đi xung quanh thu gom rác, phụ các công nhân vệ sinh môi trường kéo rác lên xe thùng. Người phụ nữ đã ngoài lục tuần vẫn cứ nhanh nhẹn, tháo vát, bất chấp mưa, nắng để làm việc ấy là bà Phùng Thị Tuyết Nga (SN 1961, trú phố Hàng Chuối).

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nga ở trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Chuối. Nhà bà Nga chia làm 2 phần, một phần là căn nhà tập thể đã cũ, có cửa hướng ra ngách nhỏ. Phần còn lại chính là căn bếp cũ chỉ rộng hơn 10m2, được bà Nga cùng các anh chị em xây lại thành căn nhà 2 tầng để ở và chăm nom mẹ già. Khi gặp nhóm PV, bà Nga vừa cho mẹ là cụ Đặng Thị Sơn (SN 1924) ăn sáng.

Vừa bóp tay, chân cho mẹ đỡ đau nhức, vừa trò chuyện với nhóm PV, bà Nga cho hay trước đây mình công tác tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh quận Đống Đa (Urenco 4). Sau 24 năm làm việc, bà Nga về hưu vào năm 2015 và nhận được mức lương hưu hơn 3 triệu đồng/ tháng.

 

“Ngoài lương hưu, tôi còn một khoản thu nhập khác đến từ việc nhặt ve chai, thu gom rác, phụ giúp anh chị em đồng nghiệp cũ kéo rác lên xe thùng mà chúng tôi hay gọi vui là “rác hợp đồng”. Hôm nào nhiều rác, các đồng nghiệp sẽ gọi và chia nửa số tiền công cho tôi, hôm nào ít thì thôi. Khoản thu nhập này cộng vào cũng khoảng 2 triệu, tổng thu nhập của tôi hiện tại chỉ được hơn 5 triệu/tháng, không đủ để chi trả chi phí sinh hoạt”, bà Nga tâm sự.

Dù đã nghỉ hưu được gần 10 năm, tuy nhiên, người phụ nữ 61 tuổi vẫn đều đặn phải dậy từ 6h sáng để chuẩn bị cơm nước cho mẹ già đã gần 100 tuổi. Sau khi hoàn thành việc chăm nom mẹ, bà Nga mới rời khỏi nhà để tất bật làm việc, thu gom rác thải quanh khu phố Hàng Chuối và một vài khu phố lân cận.

“Ở tuổi tôi đáng ra đã được nghỉ ngơi từ lâu. Thế nhưng mẹ già đau ốm, cụ lại bị lẫn vì tuổi đã cao, chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ nên cực chẳng đã tôi vẫn phải ra đường làm việc. Tôi chỉ có duy nhất một người con trai, nhưng đến nay cháu vẫn chưa thoát khỏi được cú sốc tâm lý nên chưa thể làm được công việc gì. Bước qua lục tuần, tôi vẫn cứ là trụ cột kinh tế chính trong gia đình”, bà Nga chia sẻ.

Tâm sự về cuộc đời mình, bà Nga cho hay bà là con út trong gia đình có 4 người con, trên bà còn 2 người chị gái và 1 người anh trai cả. Bản thân bà Nga đã trải qua 2 lần đò và chỉ có duy nhất một người con trai sinh năm 1990. Bà kết hôn lần đầu vào năm 1990 với người chồng sinh sống ở phố Vân Hồ, cùng quận Hai Bà Trưng.

“Kết hôn năm 1990 sau đó thì tôi cũng sinh con trai trong cùng năm. Cuộc hôn nhân ấy chỉ được năm đầu êm đẹp. Sau đó, chồng tôi phát sinh quan hệ nam nữ với người phụ nữ khác và bắt đầu lạnh nhạt với mẹ con tôi. Sang đến năm 1991, khi tôi phát hiện mối quan hệ ngoài luồng của họ thì cũng là lúc chồng tôi bộc lộ bản tính vũ phu, đã nhiều lần đánh tôi sứt đầu mẻ trán. Chuyện lục đục của vợ chồng tôi đến tai bố. Lúc ấy, bố tôi đã suy nghĩ rất nhiều, sau đó, vì thương tôi nên cụ đã gọi 2 mẹ con tôi về ở cùng bố mẹ tại căn nhà hiện tại. Đến năm 1992, bố tôi mất, tôi chẳng còn cơ hội phụng dưỡng cụ”, bà Nga ngậm ngùi kể lại.

 

Về ở với bố mẹ được khoảng 10 năm, trong quãng thời gian đó, bà Nga tiếp tục làm việc tại Urenco 4 và chăm sóc mẹ già, con nhỏ mỗi khi hết giờ làm việc. Phận mẹ đơn thân của bà Nga kết thúc vào năm 2001 khi bén duyên với người chồng thứ 2, cả hai sau đó quyết định cùng con trai ra thuê trọ ở riêng tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

“Biết hoàn cảnh mẹ con tôi nhưng anh ấy vẫn rất yêu thương và đối xử tử tế, vì vậy, chúng tôi quyết định về chung một nhà. Tuy nhiên, do sức khỏe của anh ấy không được tốt, chúng tôi không có với nhau người con chung nào cả. Tôi được 14 năm sống trong hôn nhân yên bình thì anh ấy mất vì bệnh, để lại tôi một mình”, bà Nga xót xa khi nhắc về người chồng quá cố.

Nói về người con trai năm nay đã ngoài 30 tuổi, bà Nga cho biết trước đây, con trai bà làm nghề giao hàng (shipper), hàng tháng cũng thu về được khoảng 10 triệu đồng. Thời điểm ấy, kinh tế gia đình không đến mức khó khăn như hiện tại. Sau đó, con trai bà lấy vợ, là một cô gái kém vài tuổi.

“Ngày con lấy vợ, tôi và con có lên mời bố nó về đám cưới nhưng ông ta cũng chẳng nhận lời mời, cũng chẳng đến dự đám cưới con. Thế rồi tôi cũng một mình đứng lên tổ chức cho con cưới xin. Ngày con dâu về nhà, tôi vui lắm vì chẳng mấy chốc sẽ được làm bà nội, thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong đợi”, bà Nga nói.

 

Chia sẻ về nỗi đau của gia đình và cũng là cú sốc tâm lý của người con trai, bà Nga cho hay cuối năm 2020, con dâu bà thông báo tin mừng là đã mang thai khiến căn nhà nhỏ tràn ngập trong hạnh phúc. Suốt những ngày tháng đó, bà Nga đi làm lúc nào cũng tươi vui, còn con trai bà thì chăm chỉ đi giao hàng đến tận đêm khuya vì mong mỏi kiếm thêm được cho đứa con sắp chào đời hộp sữa, gói ăn dặm. Thế nhưng, gia đình bà Nga một lần nữa hứng chịu nỗi đau vô tận.

“Một ngày trong năm 2021, con dâu tôi lúc đó đang mang bầu kêu bị đau bụng. Sau khi đưa vào bệnh viện, chúng tôi nhận được tin sét đánh là tính mạng của mẹ đang nguy hiểm vì thai nhi đã chết lưu. Sau đó, con dâu tôi cũng qua đời, lúc đó cháu vẫn còn rất trẻ, chỉ mới hơn 20. Đó là cú sốc khiến con trai tôi đến bây giờ vẫn không thể vượt qua. Hơn 1 năm qua, nhiều lần mẹ con tâm sự, tôi cũng bảo cháu là con trẻ, hãy cố vượt qua nỗi đau mà sống tiếp. Cháu chỉ trả lời tôi cho có lệ, rồi cứ tự giam mình ở căn nhà cũ, chẳng đi đâu, làm gì. Thế nên, dù đã bước qua tuổi 60 nhưng tôi vẫn phải nuôi cả mẹ già và con trai”, bà Nga thở dài.

Xuyên suốt buổi trò chuyện với nhóm PV, bà Nga đã không ít lần phải lau đi vệt nước mắt đọng ở nơi khóe mi. Dù cuộc đời nhiều biến cố, lắm chông gai nhưng bà Nga vẫn hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn phía trước, mong mỏi rằng phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng cho đời mình.

“Tôi chỉ mong có được sức khỏe để tiếp tục được chăm sóc mẹ, lo cho con. Chắc mai này con trai tôi sẽ vượt qua được nỗi đau mất vợ con để tiếp tục sống, tiếp tục làm việc. Chỉ cần tôi còn sức khỏe thì cái nhà này vẫn còn đứng vững được. Mấy hôm trước, tôi đã làm đơn xin gia nhập hội phụ nữ và tham gia vào các hoạt động đoàn thể cho vơi bớt nỗi buồn, cuộc sống cũng tích cực hơn”, bà Nga chia sẻ.

 

Liên quan đến trường hợp của bà Phùng Thị Tuyết Nga, trao đổi với PV, Bà Nguyễn Thị Hòa Hạnh, chi hội trưởng cụm 4, hội phụ nữ phường Phạm Đình Hổ cho hay, hoàn cảnh gia đình bà Nga thuộc diện khó khăn, chỉ có bà Nga chăm sóc cho mẹ già. Con trai của bà Nga cũng không có công ăn việc làm ổn định.

“Bà Nga lương hưu rất thấp, trước bà ấy công tác bên công ty môi trường, giờ nghỉ hưu chỉ có thể làm thuê để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Biết trường hợp của bà Nga, mỗi dịp lễ tết, hội phụ nữ phường đều rất quan tâm và có các phần quà hỗ trợ cho gia đình bà ấy”, bà Hạnh thông tin.

Nội dung: Đức Nhật - Hồng Phú

Media: Nguyễn Lý