Theo Hoàn Cầu, cầu mang tên Vạn An là cầu vòm gỗ dài nhất ở Trung Quốc với chiều dài 98,2 mét. Vụ cháy may mắn không gây thương vong về người. 

Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vẫn đang được điều tra. Đơn vị Điều tra hình sự thuộc Phòng Công an huyện Bình Nam đã vào cuộc.

“Tôi cho rằng nhiều khả năng nguyên nhân vụ cháy là do con người gây ra chứ không phải là yếu tố tự nhiên. Việc cầu tự cháy là rất hiếm khi xảy ra”, Xu Yitao, chuyên gia am hiểu kiến trúc cổ tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Cầu Vạn An bị lửa thiêu rụi vào tối ngày 7/8.

Ông Xu cho biết, phần thân cầu 900 năm tuổi bị thiêu rụi hoàn toàn chỉ sau 20 phút. Cấu trúc bằng gỗ độc đáo của cây cầu khiến nó càng dễ bị hư hại do lửa.

Cây cầu tồn tại từ thời nhà Tống mang ý nghĩa văn hóa quan trọng, vì cách đây 900 năm, xây dựng một cây cầu dài như vậy bằng gỗ hoàn toàn là điều không hề dễ dàng, theo ông Xu.

Sự việc ngày 7/8 không phải lần đầu tiên cầu Vạn An bị cháy. Ở thời hoàng đế Khang Hy thuộc triều đại nhà Thanh, cầu từng bị cháy và được khôi phục lại.

Năm 2005, cầu Vạn An trở thành di tích văn hóa trọng điểm quốc gia cần được bảo vệ ở Trung Quốc. Sự việc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức bảo vệ các di tích văn hóa bằng gỗ, ông Xu nói.

Năm 2021, một ngôi làng 400 năm tuổi của “bộ lạc nguyên thủy cuối cùng” ở Trung Quốc bị cháy rụi. Nguyên nhân được xác định là do một em bé 8 tuổi nghịch lửa gây cháy, theo Hoàn Cầu.