Cây dã hương hàng trăm năm tuổi kề ngay đình cổ Viễn Sơn thuộc thôn Giữa (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) không chỉ là “báu vật” của người dân nơi đây mà còn là của thế giới bởi trên thế giới chỉ có 2 cây như vậy, đó là cây dã hương Tiên Lục và một cây dã hương ở châu Phi. Hiện tại cây ở châu Phi đã chết.

Hiện nay cây dã hương đã được nhà nước coi là Di sản quốc gia (năm 2012 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam). Hằng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây thăm quan, chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây dã hương hàng trăm năm tuổi.

Ông Hoàng Viết Nên, người trông coi cây dã hương cho biết, thời điểm chưa có COVID–19, khách thập phương đến đây rất đông từ sáng đến chiều muộn, hiện nay khách đến thăm vắng hơn. Các cụ bô lão trong thôn kể lại rằng, từ nhiều đời trước, các cụ đã thấy cây to và đẹp. Trước kia trong ngọc phả của thôn còn ghi lại câu chuyện vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước).

Đến nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác tuổi đời của cây dã hương này nhưng nhưng các cụ cao niên xưa thường gọi cây dã hương trăm năm tuổi. Theo ông Nên, các bậc cao niên đất Tiên Lục đã nghiệm ra một hiện tượng khá thú vị, đó là mối liên hệ giữa cây dã hương cổ thụ với đời sống xã hội đương thời. Theo đó, nếu cây dã hương có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước.

Đi cùng đoàn đến từ Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã biết đến cây dã hương này trên báo đài nhưng chưa được tận mắt thấy. Nay cả đoàn có việc gần đây nên đến tận nơi chiêm ngưỡng báu vật kỳ vĩ này.

Với dáng đứng bề thề, cành lá xum xuê xanh tốt, cây dã hương như một biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên, sự trường tồn vĩnh cửu thách thức thời gian và không gian. Cây được ví như lá phổi xanh che chắn cho người dân Tiên Lục.

Cây cao 36m, chu vi thân to, khoảng 8 người dang tay ôm mới hết, tán cây che phủ gần 2 sào đất.

Theo ông Nên, hiện tại cây gần như rỗng hoàn toàn ở phần gốc, nhưng đã được bơm keo vào bên trong nên vẫn phát triển khá tốt. Trước đây phần rỗng ở gốc cây có thể chứa được cả chục trẻ nhỏ chơi đùa bên trong.

Cành cây bị gãy được "gia cố" có màu khác với thân cây.

Phần gốc cây được bơm keo vào bên trong cũng có màu khác với phần gốc còn lại.

Lớp vỏ cây dày trung bình khoảng 15cm. Rất nhiều loài cây khác sống kí sinh từ thân đến cành cây dã hương đại thụ.

Hiện tại có 4 cột bằng xi măng xung quanh cây để chống đỡ các cành yếu.

Những chiếc cột này làm bằng bê tông và được định hình sơn bả giống như những thân cây để bảo đảm hài hòa cho không gian.

Một cành nhỏ mới bị gãy được ông Nên mang cất vào đình. Ông Nên cho biết: “Người dân trong vùng thường đến xin những cành gãy mang về làm vòng đeo bởi cây nhiều năm tuổi có mùi thơm nhẹ”.

Trước khuôn viên đình Viễn Sơn có hai khúc gỗ bị gãy từ năm 2017, nhiều người đến xin nhưng ông Nên không cho, ông đặt vào chậu như một cây cảnh làm đẹp cho đình.