Video trận đấu "có mùi" giữa ĐT Lào và Malaysia (AFF Cup 2021)

Trong một phát biểu liên quan đến scandal bán độ gần nhất của bóng đá Lào, Tổng thư ký LĐBĐ Lào Kanya Keomany cho rằng “tình trạng bán độ diễn ra trong nhiều năm ở những giải đấu quốc tế khác nhau”. Điều này nói lên sự xuống cấp của cả một hệ thống bóng đá tại Lào dù gần đây họ cũng đã có những sự đầu tư và đặt ra những tham vọng lớn.

Bóng đá Lào liên tục vướng vào scandal trong 8 năm trở lại đây

Từ năm 2014 đến nay, bóng đá Lào liên tục vướng phải những nghi vấn về sự trong sạch trong các trận đấu. Tại Á vận hội Incheon 2014, công ty phân tích cá cược thể thao Sportradar nói rằng “có nhiều dấu hiệu bất thường” trong các trận thua 0-3 trước Saudi Arabia và 0-4 trước Malaysia của U23 Lào tại vòng bảng.

Đến SEA Games 28 vào năm 2015, các cầu thủ U23 Lào một lần nữa bị đặt nghi vấn liên quan đến bán độ ở trận đấu với U23 Malaysia ở vòng bảng môn bóng đá nam. Trận này, U23 Lào đã thua 1-3 trong bối cảnh sự vắng mặt của 2 trụ cột Sipasong Bounthavy và Inthilath Sengdao không được HLV David Booth giải trình thỏa đáng.

Tiếp đến tháng 11/2016 tại giải AFC Solidarity Cup ở Malaysia, Ủy ban kỷ luật AFC đã đình chỉ 4 cầu thủ Lào vì nghi ngờ dàn xếp tỷ số ngay trong lúc giải đang diễn ra. Tháng 2/2017, AFC tiếp tục cấm 15 cầu thủ cùng quan chức Lào tham gia bóng đá, sau khi họ bị phát hiện thao túng kết quả các trận đấu của ĐT Lào và câu lạc bộ Lào Toyota FC từ năm 2014.

Cũng trong năm 2017, thất bại 0-4 của ĐT Lào trước ĐT Hồng Kông lại bị tố dàn xếp. Ba năm sau, 3 cầu thủ Lào góp mặt ở trận này là Khampheng Sayavutthi, Lembo Saysana và thủ môn Thipphonexay Inthavongsa bị lôi ra ánh sáng và nhận án treo giò vĩnh viễn.

Tại AFF Cup 2021 vừa kết thúc, các trận đấu của ĐT Lào gặp Malaysia và Indonesia ở vòng bảng cũng bị tố dàn xếp tỷ số trên mạng xã hội, với những “tín hiệu” lạ về tỉ lệ cược tiền trên các trang cá cược và cách thay người “có mùi”.