Màn trình diễn của Ronaldo ở trận gặp Wolves (nguồn K+)

Ronaldo tạo nên một cú nổ “kinh thiên động địa” trên thị trường chuyển nhượng hè 2021 với màn tái hợp MU. Kể từ đó, “Quỷ đỏ” khóc cười với CR7. Siêu sao Bồ Đào Nha chưa cho thấy bất kỳ rào cản nào về mặt tuổi tác, liên tục góp công vào những bàn thắng và tạo nên những khoảnh khắc ăn mừng vỡ òa.

Ronaldo là con người của những cảm xúc

Nhưng đan xen với những niềm vui, cũng có những trận đấu Ronaldo không thể cứu được MU. Ở trận gần nhất gặp Wolves tại Ngoại hạng Anh, Ronaldo ra sân với chiếc băng đội trưởng trên tay. Đó là lần thứ 2 trong sự nghiệp, anh mang trọng trách làm thủ quân “Quỷ đỏ”. Thế rồi anh tịt ngòi, và MU nhận thất bại chua chát trong ngày đầu năm mới 2022.

Tranh cãi bắt đầu nổ ra xung quanh chiếc băng thủ quân mà anh đeo. Với tầm vóc, kinh nghiệm và đẳng cấp của Ronaldo, anh xứng đáng là “Quỷ đầu đàn”. Người lạc quan sẽ mơ về cảnh tượng Ronaldo liên tục ghi những bàn thắng quyết định, dẫn dắt MU qua những giai đoạn khó khăn bằng tài năng thiên bẩm, y như những gì anh đã và đang cho ĐT Bồ Đào Nha.

Nhưng người bi quan sẽ nghĩ về 2 cảnh tượng Ronaldo tháo chiếc băng đội trưởng ĐT Bồ Đào Nha trên tay và ném xuống đất. Đó là khi CR7 bị từ chối một bàn thắng mười mươi ở những phút cuối trận lượt đi vòng loại World Cup 2022 trên đất Serbia, và khi Bồ Đào Nha bị chính Serbia đánh bại ở lượt trận cuối cùng trên sân nhà, qua đó mất chiếc vé trực tiếp đến Qatar.

Đó đều là những khoảnh khắc nhiều cảm xúc, sự bùng nổ của những bức xúc và tiếc nuối. Nhưng nếu đó là chiếc băng đội trưởng MU, liệu các CĐV “Quỷ đỏ” có chịu nổi khi chứng kiến? Cách hành xử của Ronaldo cho thấy cá tính của anh, nhưng chiếc băng đội trưởng lăn lóc trên mặt cỏ không phải là thứ mà một đội bóng giàu truyền thống như MU kỳ vọng từ người thủ lĩnh.

Cả 3 đội bóng lớn mà Ronaldo từng đầu quân: MU, Juventus và Real Madrid, đều từng có những thủ quân dày dặn kinh nghiệm và thường là người bản địa khi Ronaldo cập bến. Ở giai đoạn đỉnh cao trong màu áo Real Madrid và Juvetus, Ronaldo dù tài năng nhưng không thể qua mặt được Sergio Ramos và Giorgio Chiellini để làm thủ lĩnh, đơn giản bởi chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ.

Ronaldo đeo băng đội trưởng ở trận gặp Wolves

Nói riêng về MU, những thủ quân của họ trong quá khứ, ví dụ như Roy Keane, Gary Neville, Rio Ferdinand hoặc thậm chí là Michael Carrick hay Antonio Valencia, không phải là những người có chuyên môn giỏi nhất, nhưng họ lại là những người có tiếng nói cả trong phòng thay đồ lẫn trên sân đấu, tạo ra sự yên tâm và kích thích tinh thần chiến đấu của cả đội.

Giờ đây, với vị thế “cây đà cây đề” khi trở lại MU, Ronaldo mang theo nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít quan ngại. Những quan ngại đó đã manh nha thể hiện ở quãng thời gian vừa qua. Sự bùng nổ về cảm xúc khiến Ronaldo không thể giữ mình trong những hoàn cảnh đội bóng cần sự điềm tĩnh của một thủ lĩnh.

Anh tiến thẳng vào đường hầm sau mỗi lần MU nhận thất bại. Anh cùng đồng hương Bruno Fernandes “làm mưa làm gió” trong phòng thay đồ, át cả một Solskjaer quá hiền lành. Anh có thái độ và cử chỉ gây tranh cãi với đồng đội. Anh muốn tất cả phải phục vụ anh, như những gì anh từng nhận được ở Real Madrid và Juventus.

Câu chuyện ở một CLB rất khác so với ĐTQG. Sự kết nối với câu lạc bộ là ngày qua ngày, còn tuyển quốc gia lại tính bằng tháng. Nếu MU muốn một sự ổn định nơi hậu trường, Harry Maguire đang làm tốt. Tước đi băng đội trưởng của một cầu thủ mà không có lý do cụ thể, rất có thể MU sẽ lâm vào rối ren. Nhưng có lẽ đây không phải là ý tưởng lâu dài của Rangnick.

Nếu Ronaldo là tiền đạo, anh sẽ ghi bàn. Nhưng nếu Ronaldo là đội trưởng, anh sẽ  khiến đội bóng phải “lao tâm khổ tứ”.