Màn trình diễn của Lukaku ở trận gặp Brighton (nguồn K+)

“Bom tấn” hóa “bom xịt”

Với mức giá 100 triệu bảng, Grealish là bản hợp đồng đắt đỏ nhất của Ngoại hạng Anh 2021/22 trong kỳ chuyển nhượng hè. Kỳ vọng lớn như vậy nhưng cựu sao Aston Villa chỉ thể hiện tốt trong thời gian đầu, đánh bật Raheem Sterling lên ghế dự bị và kết hợp khá tốt với Joao Cancelo bên hành lang trái.

Grealish chưa tạo được dấu ấn đậm nét tại Man City

Tuy nhiên, càng chơi Grealish lại càng cho thấy những hạn chế trong hệ thống của Pep Guardiola. Sự nổi lên của Foden khiến Grealish phải chơi thiên về vai trò “số 9 ảo” và lối chơi của anh dần hướng đến một sự an toàn nhàm chán. Việc này khiến ngôi sao người Anh không còn giữ được vị trí chính thức. Bằng chứng là 10 vòng gần nhất, Grealish chỉ 4 lần có tên ở đội hình xuất phát (2 lần đá trọn vẹn cả trận).

Trong khi đó, Chelsea chi ra chỉ kém 2 triệu so với Man City ở vụ Grealish để có được Lukaku (98 triệu bảng), nhưng cũng chưa đạt kỳ vọng. Tiền đạo người Bỉ tạo ra cơn sốt khi ghi 3 bàn/3 vòng đầu tiên, nhưng sau đó “tịt ngòi” trong 14 vòng liên tiếp (nghỉ 6 trận vì chấn thương và mắc Covid-19), và mới chỉ ghi bàn trở lại ở 2 vòng gần nhất trước Aston Villa và Brighton.

Dù đã giải được cơn khát bàn thắng nhưng Lukaku vẫn bị nhận định rằng khó có thể tỏa sáng đều đặn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có khả năng HLV Tuchel chưa biết cách “khai phá” Lukaku, hoặc Lukaku gặp nhiều khó khăn trước các hậu vệ ở Ngoại hạng Anh hơn so với ở Serie A.

Bên cạnh đó, bộ đôi đắt giá của MU là Raphael Varane (34 triệu bảng) và đặc biệt là Jadon Sancho (72 triệu bảng) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trước khi Rangnick đến thay Solskjaer, Sancho gần như không để lại bất kỳ dấu ấn nào, trong khi Varane gặp nhiều chấn thương vụn vặt và phải nghỉ thi đấu quá nhiều.

Hàng rẻ lên ngôi

Trong khi những thương vụ “bom tấn” không gây được ấn tượng, thì những bản hợp đồng “rẻ bèo”, thậm chí là hàng cho mượn, lại lên ngôi. Conor Gallagher chính là một ví dụ tiêu biểu. Thuộc biên chế Chelsea nhưng liên tục bị đội chủ quản đẩy đến các CLB nhỏ, song Gallagher vẫn thể hiện được những phẩm chất đáng khen ngợi.

Conor Gallagher là điểm nhấn của Crystal Palace

Ở Crystal Palace mùa này, tiền vệ sinh năm 2000 dẫn đầu CLB về số bàn thắng (6), kiến tạo (3), sút trúng đích (14) và tạo cơ hội (9) tại Ngoại hạng Anh. Ngoài những thông số tấn công ấn tượng, Gallagher còn phòng ngự đỉnh cao với 44 pha tắc bóng (đứng thứ nhì Crystal Palace) và 13 lần đánh chặn (đứng thứ 5 tại CLB).

Trong khi đó, sự vươn lên mãnh liệt của Arsenal mùa này có sự góp sức không nhỏ của 2 bản hợp đồng không quá đáng chú ý: thủ thành Aaron Ramsdale và hậu vệ người Nhật Bản Tomiyasu Takehiro.

Trong khi Ramsdale đánh bật đàn anh Bernd Leno lên ghế dự bị và góp 8 trận sạch lưới tại Ngoại hạng Anh, chỉ đứng sau Ederson (Man City) và Alisson (Liverpool), thì Tomiyasu đã gia cố hành lang phải của “Pháo thủ” bằng lối chơi chắc chắn, an toàn và rất kỷ luật.

Mùa giải còn nửa chặng đường song với những màn trình diễn ấn tượng từ đầu mùa, những Gallagher, Ramsdale hay Tomiyasu nhiều khả năng sẽ được để mắt tới nhiều hơn nếu họ giúp đội bóng đang đầu quân tạo nên khác biệt.