Nhìn lại trận bán kết lượt đi Việt Nam - Thái Lan: 

90 phút lượt đi đã cho thấy Thái Lan là một tập thể chất lượng, và biết cách khai thác những điểm yếu của đội tuyển Việt Nam. Và chúng ta cũng đã có thế trận cần phải có với những đội đã bị dẫn 2-0 nhưng không buông súng, đó là dâng cao với số đông, gây sức ép.  

Cần hơn một nghệ thuật “hắc ám” của Quế Ngọc Hải

Cú sút bóng vào mặt có thể phản cảm và cú húc vai từ phía sau vào lưng đối thủ thủ bởi Quế Ngọc Hải có thể gây tranh cãi, nhưng nó phản ánh trận đấu với Thái Lan là một “trận chiến”.

Có điều, “trận chiến” này không thể thắng chỉ bằng những ngón đòn hắc ám được. Bàn thua thứ hai của Việt Nam cho thấy Thái Lan rất hiểu Việt Nam, đã xem cái cách chúng ta bị thủng lưới ở vòng loại World Cup rồi.

Trận lượt đi đã phản ánh sự căng thẳng, kịch tính của "Siêu kinh điển" Việt Nam - Thái Lan

Thái Lan đã sử dụng sơ đồ với tiền vệ hình thoi, để Chanathip đá như một số 10 thực thụ, trên 3 tiền vệ và dưới 2 tiền đạo. Khi Supachok và Dangda ép vào 2 vị trí của Duy Mạnh và Thành Chung thì Chanathip được kéo xuống trong khi Quế Ngọc Hải không thể dâng cao theo kèm 1 bắt 1. Cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức và Tuấn Anh theo cách bố trí vị trí của HLV Park Hang Seo vốn không đủ mạnh và nhanh cũng không thể giật ngược trở lại để hỗ trợ.

Chanathip vì thế tưởng bị phong tỏa bởi “ngũ giác” 3 trung vệ và 2 tiền vệ của Việt Nam, trái lại có những khoảng trống để thi triển kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật của mình.

Nó đòi hỏi Quế Ngọc Hải phải đủ nhanh về phán đoán (khi bất cứ vị trí nào của Thái Lan có thể chuyền bóng cự ly trung bình và xa cho Chanathip, đủ tốc độ để băng lên áp sát hòng chiến thắng trong tranh chấp bóng tay đôi.

Nếu không kịp thì các cầu thủ Thái Lan sẽ được chơi bật tường sở trường ở trung lộ. Và nhược điểm chết người của hệ thống 3 trung vệ mà không có tiền vệ trung tâm phù hợp sẽ bị khai thác.

Nhiều khả năng Thái Lan sẽ lại phản công ở trung lộ, dồn các đường bóng tấn công chớp nhoáng sau khi phòng ngự thành công tới vị trí của Chanathip như thế. Họ sẽ chỉ mở rộng sang hai biên, sử dụng các cầu thủ đá ở 2 hành lang nhiều hơn trong một thế trận dâng cao đội hình.

Nhiệm vụ đặt lên đôi vai Quế Ngọc Hải, 28 tuổi (sinh 1993) nhưng có vẻ không còn ở đỉnh cao về thể lực nữa. Ở vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, đội trưởng ĐTVN cũng đã bộc lộ hạn chế này khi phải đương đầu với các đối thủ hàng đầu.

Thái Lan không đủ khả năng để có mặt ở sân chơi đó, nhưng rõ ràng có những cầu thủ đủ trình độ để chơi ở các giải VĐQG hàng đầu của châu Á (Chanathip, Teerathon). Giải đấu này họ trở nên đáng gờm hơn vì có sự khát khao và quyết tâm của một tập thể đi tìm lại sự thừa nhận.

Cần sự chính xác của Tiến Linh

Phải ghi 2 bàn cách biệt trong 90 phút, và nhiều hơn thế nếu có 2 hiệp phụ thực sự là nhiệm vụ bất khả thi nếu như Việt Nam và Thái Lan gặp nhau trong 20 năm trước. Đó là giai đoạn mà trình độ và đẳng cấp của chúng ta còn thua xa đối thủ.

Tiến Linh cần tận dụng khả năng chớp thời cơ nếu được HLV Park Hang Seo tin tưởng ở trận lượt về

Nhưng việc dồn ép được Thái Lan, dứt điểm nhiều gấp đôi, có 2 tình huống bóng trúng khung thành của Quang Hải, có cú xoay người đá nhanh chệch cột dọc của Văn Đức, có pha phản công khiến thủ môn của Thái Lan phạm lỗi đầy tranh cãi với Văn Toàn là sự khẳng định chúng ta có năng lực để những hy vọng có cơ sở hơn.

Tuyển Việt Nam từ đầu giải có xu hướng tấn công trung lộ nhiều hơn là đánh biên. Các pha bóng xuống sát biên ngang và đánh vào nách hành thủ đối phương không nhiều.

Nếu tiếp tục đánh trung lộ, để phát huy những quả chọc khe của tiền vệ trung tâm và cả Quang Hải, cần sự chính xác của những tiền đạo với các pha xử lý rất gọn và chính xác trong vòng cấm.

Sẽ không bất ngờ nếu Tiến Linh trở lại với đội hình xuất phát, với sự kỳ vọng rằng khả năng tận dụng cơ hội chớp nhoáng phát tiết đúng lúc đội tuyển cần nhất.

Và dĩ nhiên là cả một tập thể. Để đánh bại Thái Lan ở thế đã bị dẫn 2 bàn cần tất cả chơi hay hơn chính họ.

Không lẽ 6 trận đấu với các đối thủ đẳng cấp ở châu lục mới đây lại trở nên vô nghĩa!